Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân tại hội nghị tổng kết ngày 21/12. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Thông tin tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 diễn ra ngày 21/12, Cục Thủy sản cho biết, ước tính đến hết tháng 12/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước (năm 2022 chỉ đạt 9,087 triệu tấn). Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương năm 2022; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 3,68 triệu tấn, tăng 3,5%. So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023, tổng sản lượng thủy sản vượt 2,4% (kế hoạch đạt 9,05 triệu tấn).
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch 10 tỷ USD đã đề ra trước đó.
Về nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m3 lồng nuôi biển (cơ bản bằng so với năm 2022), tổng sản lượng ước đạt 5,408 triệu tấn, tăng 3,5%. Trong đó, nuôi biển khoảng 9,5 triệu m3 lồng, tăng 5,5% và 57.000 ha nuôi nhuyễn thể.
Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trên biển đạt 789.800 tấn, tăng 10,1% so với năm 2022 (717.500 tấn), trong đó cá biển đạt 46.000 tấn; tôm hùm đạt 3.800 tấn; nhuyễn thể đạt 440.000 tấn; đối tượng khác đạt 300.000 tấn.
Tổng diện tích nuôi nước lợ đạt khoảng 920.000 ha, tổng sản lượng khoảng 1,496 triệu tấn. Tổng diện tích nuôi nước ngọt đạt khoảng 380.000 ha, tổng lượng khoảng 3,122 triệu tấn.
Về khai thác thủy sản, tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2023 ước khoảng 3,861 triệu tấn, tương đương năm 2022.
Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ, năm 2023 toàn ngành thủy sản (từ TW đến địa phương) đã nỗ lực triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 1930, tầm nhìn đến năm 2045, các chương trình đề án từ nuôi biển, chương trình khai thác thủy sản bền vững, chuyển đổi nghề… Một số chương trình đã có kết quả ban đầu như sản lượng cá biển nuôi đạt xấp xỉ 50.000 tấn.
Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng năm 2023 là một năm ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Dù vậy, Cục trưởng cũng cho rằng, năm 2023 ngành thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động từ xung đột Nga - Ukraine, nhu cầu thị trường giảm, một số nước có chung sản phẩm thực hiện chương trình gia tăng sản lượng thủy sản.
Ngành thủy sản còn phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, rào cản kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu. Giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp; Ủy ban Châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.
Nhiều địa phương chưa giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản
Mặt khác, vấn đề truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về kỹ thuật, an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu ngày càng cao.
Trong vấn đề nuôi trồng, tình hình giao mặt nước hiện nay cho nuôi trồng thủy sản (kể cả hồ chứa và khu vực biển) còn triển khai chậm, dẫn tới đánh mất nhiều cơ hội phát triển…
Mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 9,5 tỷ USD trong năm 2024
Theo Cục thủy sản, 2024 sẽ tiếp tục là năm nhiều diễn biến bất thường, nguồn lợi hải sản suy giảm. Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biễn phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể. Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Trước dự báo này, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 9,22 triệu tấn, tương đương thực hiện năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3%; nuôi trồng khoảng 5,68 triệu tấn, tăng 5%. Sản lượng cá tra mục tiêu đạt 1,75 triệu tấn, tôm nước lợ đạt 1,06 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 3% so với ước thực hiện năm 2023.
Năm 2024, Cục Thủy sản tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thực hiện các quy định của Luật Thủy sản 2017, các nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục thực hiện chủ trương Chiến lược đề ra là giảm khai thác và tăng nuôi trồng thủy sản. Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản.