Người phụ nữ Nhật 20 năm 'gieo mầm' nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam

NÔNG NGHIỆP NHẬT BẢN
13:35 - 08/03/2023
Người phụ nữ Nhật 20 năm 'gieo mầm' nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
“Ở Việt Nam không kịp cô đơn, sự dễ thương của người dân chính là sợi dây níu chân tôi và kiên trì con đường nông nghiệp hữu cơ đầy cơ duyên này”, chị Mayu Ino - người phụ nữ Nhật nặng tình với nông nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Cơ duyên đến từ tình yêu nông nghiệp

Trò chuyện với Mekong ASEAN nhân ngày 8/3, chị Mayu Ino, người sáng lập Dự án Seed to Tables (một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ) đã hồi tưởng lại hành trình đặt chân tới Việt Nam và quyết định gắn bó với nơi đây của mình.

Mốc thời điểm xuất phát là năm 1997, khi chị Mayu Ino sang Việt Nam học về chuyên ngành Xã hội học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Sau đó chị dự định sẽ về Nhật hoặc sang Mỹ du học tiếp. Tuy nhiên, 3 năm học tại Việt Nam với nhiều thời gian làm việc với nông dân và nông thôn đã trở thành cơ duyên khiến chị gắn bó với nông nghiệp nơi đây.

“Một trong các nội dung lớn của chương trình học của tôi lúc đó là làm sao giúp nông thôn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Do vậy, tôi đã chọn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để làm con đường cho mình”, chị Mayu Ino chia sẻ.

Đến năm 2003 đã trở thành mốc thời gian chính thức để chị quyết định gắn bó với nông nghiệp Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, thầy giáo ở Nhật Bản đã gợi ý chị quay lại Việt Nam để thực hiện các dự án nông nghiệp hữu cơ.

Dự án nông nghiệp hữu cơ đầu tiên chị Mayu Ino bắt tay thực hiện là ở Hòa Bình từ năm 2003 – 2009, sau đó được triển khai ở Bến Tre từ năm 2011 – 2019 với nguồn vốn từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản và được tỉnh Đồng Tháp mời về nhân rộng mô hình từ năm 2018 đến nay.

Sau những trải nghiệm của mình ở Việt Nam, chị Mayu Ino cho biết, sự thiếu liên kết giữa các hộ nông dân, giữa các vùng nông thôn là thách thức, khó khăn lớn nhất gặp phải khi thực hiện các dự án nông nghiệp.

Do vậy, thông qua các hoạt động, các dự án triển khai, Trưởng đại diện Dự án Seed to Tables mong rằng có thể tăng cường sự liên kết của các địa phương, giúp họ tin tưởng, hợp tác, chia sẻ kỹ thuật, hình thành chuỗi cung ứng để cùng nhau phát triển.

Mong muốn trở thành cầu nối nông nghiệp Việt – Nhật

Trên hành trình nông nghiệp hữu cơ 20 năm tại Việt Nam, điều chị Mayu Ino tâm đắc nhất là đã lan tỏa được cảm hứng xây dựng nền nông nghiệp xanh đến các bạn trẻ. Điều đó giúp cho tinh thần nông nghiệp xanh vẫn được duy trì và nhân rộng sau khi các dự án kết thúc.

Các chuyên gia Nhật thăm và giao lưu với các em xây dựng vườn rau hữu cơ tại Trường học Phú Thuận B thuộc dự án Seed to Tables.

Các chuyên gia Nhật thăm và giao lưu với các em xây dựng vườn rau hữu cơ tại Trường học Phú Thuận B thuộc dự án Seed to Tables.

“Hòa Bình, Bến Tre, Đồng Tháp hiện nay đều đã hình thành các Câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ đồng hành với các dự án. Đây chính là tâm nguyện gieo hạt giống nông nghiệp hữu cơ nảy mầm sinh sôi ở từng địa phương mà tôi mong muốn thực hiện nhất”, chị Mayu Ino bày tỏ.

Sở dĩ có tâm nguyện đó, vì theo chị, nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng khi muốn xây dựng một nền nông nghiệp xanh. Nếu có đủ máy móc, công nghệ, giống, vật tư hay kiến thức nhưng không có người sử dụng, không có khả năng tiếp nhận thì sẽ không thể áp dụng vào thực tế.

Với góc nhìn của người phụ nữ Nhật đam mê nông nghiệp hữu cơ chị nhận thấy, hiện nay, dân số làm nông nghiệp ở Việt Nam đang giảm rõ rệt. Do vậy, các dự án của chị đã kết hợp yếu tố giáo dục để thế hệ trẻ Việt Nam thấy được cái hay, tầm quan trọng của nông nghiệp, đặc biệt là hình dung được một nền nông nghiệp hữu cơ sẽ được vận hành như thế nào.

“Tôi mong muốn trở thành cầu nối kết nối nông nghiệp Việt Nam với Nhật Bản, thông qua việc mời các chuyên gia nông nghiệp của Nhật sang Việt Nam. May mắn là mạng lưới về nông nghiệp hữu cơ của tôi ở Nhật khá rộng nên có nhiều thuận lợi trong việc làm cầu nối này”, chị Mayu Ino nhấn mạnh.

Những chuyên gia Nhật Bản được người sáng lập Dự án Seed to Tables mời sang Việt Nam rất đang dạng. Đó là những người nông dân có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ có nhiều nghiên cứu thực tế. Đó còn là những bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ đã thành công và các Hợp tác xã của Nhật Bản trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông sản hữu cơ.

Nhóm nông dân lúa vịt tại Hải Phòng và nhóm nông dân bảo tồn giống bản địa tại Hoà Bình tham gia hội nghị Slow Food.

Nhóm nông dân lúa vịt tại Hải Phòng và nhóm nông dân bảo tồn giống bản địa tại Hoà Bình tham gia hội nghị Slow Food.

Mở rộng ra góc độ 2 quốc gia, chị Mayu Ino cho rằng Chính phủ 2 nước có thể tăng cường thêm các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực chế biến và quản lý Hợp tác xã. “Đây là những lĩnh vực hai nước đã có nhiều hoạt động giao lưu, liên kết, tuy nhiên, những hoạt động này cần có sự đồng hành, gắn với thực tế chặt chẽ hơn nữa để đi vào hiệu quả như mong muốn”, người sáng lập Dự án Seed to Tables chia sẻ.

“Ở Việt Nam không có thời gian để cô đơn”

Khi được hỏi về điều gì đã khiến chị gắn bó với Việt Nam 26 năm qua, chị Mayu Ino hào hứng chia sẻ, điểm cuốn hút nhất chính là con người Việt Nam, rất dễ thương, thân thiện, cởi mở.

Bên cạnh đó, chị Mayu Ino cũng chia sẻ lý do chị chọn Việt Nam là nơi theo đuổi hành trình nông nghiệp hữu cơ là sự ấn tượng về tính đa dạng của nông nghiệp Việt Nam. Quốc gia có phong phú các vùng miền với các hệ sinh thái, môi trường khác nhau theo mùa, theo khí hậu, theo địa lý.

Từ đó kéo theo sự phong phú, phát triển của ẩm thực mỗi vùng miền. Tới tỉnh nào cũng khám phá được đặc điểm văn hóa ẩm thực khác nhau. Đây là điểm đặc biệt mà Việt Nam là một trong số ít các nước có được.

“Nhật Bản cũng có đa dạng ẩm thực nhưng lại không có khí hậu nhiệt đới. Việt Nam lại có đủ ôn đới, nhiệt đới, đường bờ biển kéo dài, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long tạo ra những lợi thế nông nghiệp khác nhau”, Chị Mayu Ino lấy ví dụ.

Nhắc thêm về động lực từ gia đình ở quê hương, chị Mayu Ino cho biết, mặc dù đưa ra lựa chọn liều lĩnh là xa nhà, xa quê hương, nhưng may mắn là gia đình luôn ủng hộ, ngay cả trong việc lập kết hôn. Đây là nguồn động viên lớn lao để chị vượt mọi khó khăn trên con đường đã chọn.

Tin liên quan

Đọc tiếp