'Nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, phải quy định giá bán và bán đúng giá'

QUỐC HỘI Việt nAM
14:24 - 05/06/2023
 Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, dù là dạng nhà ở xã hội do Nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư thì đều cần do Nhà nước quyết giá.

Ngày 5/6, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ, trong đó, những quy định liên quan đến nhà ở xã hội nhận được nhiều quan tâm từ các đại biểu.

Nhà nước có trách nhiệm giao đất sạch đầu tư nhà ở xã hội

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị điều chỉnh quy định "dành 1 tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư nhà ở xã hội".

Theo Bộ trưởng, quy định này không đúng theo Luật Ngân sách Nhà nước. Cần làm rõ các khoản này có được đưa vào ngân sách không, nếu để ngoài sẽ không có cơ chế thực hiện.

"Nên thiết kế lại theo hướng Nhà nước có trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng để giao đất sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nhà ở xã hội. Khi có hạ tầng, có đất sạch, chủ đầu tư tham gia làm nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch phê duyệt sẽ hợp lý hơn", Bộ trưởng đề xuất.

Cần có giá trần với nhà ở xã hội

Mặt khác, nêu ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhà ở xã hội có 2 loại, do Nhà nước đầu tư và từ nguồn vốn xã hội hóa do doanh nghiệp đầu tư.

"Nếu do Nhà nước đầu tư, trong dự thảo luật cần ghi rõ phân cấp về tỉnh để UBND giao cho chủ đầu tư thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh phải quy định về giá bán, giá thuê nhà ở xã hội bởi đất xây dựng nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên khi Nhà nước làm ra phải quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội", Bộ trưởng Phớc nêu.

Bộ trưởng Tài chính phân tích, nhà ở cho công nhân cũng có 2 loại: Loại thứ nhất, nằm trong khu công nghiệp, sắp xếp cho công nhân của khu công nghiệp thuê để phục vụ cho hoạt động của nhà máy như thế mới đúng đối tượng.

Loại thứ hai, nằm ngoài khu công nghiệp, khi xây nhà ở công nhân, nếu là đất do doanh nghiệp đấu giá được để làm theo quy hoạch, doanh nghiệp sẽ quyết định giá cho thuê. Nhưng nếu đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thì Nhà nước quyết định giá để tạo điều kiện cho công nhân hưởng mức giá thấp nhất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng băn khoăn khi luật vẫn chưa quy định, giá bán nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư sẽ do ai duyệt. "Nếu đã là nhà ở xã hội, Nhà nước phải duyệt giá, bởi doanh nghiệp đầu tư chỉ đầu tư vốn, còn đất lại do Nhà nước giao. Nhà nước không những không thu tiền sử dụng đất, mà còn giao đất sạch, đương nhiên việc khống chế mức giá tối đa do Nhà nước thực hiện. Có như vậy mới đưa ra mức giá phù hợp với đúng đối tượng được bán, thuê", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, Nhà nước quy định giá bán và phải bán đúng giá. Đối với loại nhà ở thực hiện xây dựng từ nguồn xã hội hoá nhưng do doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước cũng phải duyệt giá.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dù là dạng nhà ở xã hội do Nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư thì đều cần do Nhà nước quyết giá. Trong đó, đối với nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn với doanh nghiệp đầu tư thì phải quy định giá tối đa để khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội.

Về hạ tầng nhà ở xã hội, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, phí bảo trì và quản lý nhà phải giao cho UBND tỉnh ban hành, nếu không mỗi khu chung cư sẽ đặt ra một loại phí.

Bộ trưởng lý giải, nhà ở xã hội trước đây quy định không quá 5 tầng, nhưng hiện nay, hạ tầng hiện đại hơn, đòi hỏi bộ máy quản lý phải chuyên nghiệp hơn. Muốn chuyên nghiệp thì phải có kinh phí bảo trì.

Ông Phớc đặt vấn đề, kinh phí bảo trì sẽ do người lao động - đối tượng nghèo, yếu thế, trả cho nên địa phương phải duyệt giá, không thể để chủ đầu tư tự nâng giá lên thế nào cũng được, Bộ trưởng phân tích.

Đề xuất bỏ quy định dành 20% diện tích sàn trong dự án xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Đình Gia - đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc xây dựng, ban hành chương trình phát triển nhà ở là cần thiết nhằm đánh giá sát đúng nhu cầu nhà ở, đất ở thực tế, tránh tình trạng đầu cơ gây lãng phí. Đại biểu đề nghị quy định đồng bộ, chặt chẽ với tỷ lệ phù hợp mà tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu.

Đại biểu Trần Đình Gia - đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Đại biểu Trần Đình Gia - đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Về nhà ở xã hội, đại biểu nhấn mạnh đây là một chính sách nhân văn, tạo chỗ ở ổn định cho người thu nhập thấp, tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hạ tầng xã hội thiết yếu đi kèm như trường học, trạm y tế, phòng sinh hoạt cộng đồng; kiểm soát chặt chẽ các đối tượng được mua nhà ở xã hội; phát huy hiệu quả hỗ trợ mua nhà ở xã hội thông qua hỗ trợ lãi suất ngân hàng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn dự án thí điểm nhà ở xã hội, ở Hà Tĩnh hiện nay còn 80 căn hộ cho thuê thì không ai thuê, trong khi có trên 350 đơn xin mua nhưng không được mua, đại biểu Trần Đình Gia thống nhất bỏ quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội bắt buộc phải dành 20% diện tích sàn trong dự án xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê.

Đọc tiếp