Nhiều cơ hội chờ sẵn cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững

KINH DOANH ESG
09:19 - 02/06/2023
79% doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết và lập kế hoạch thực hành ESG từ 2-4 năm tới. Ảnh: Báo Nhân dân.
79% doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết và lập kế hoạch thực hành ESG từ 2-4 năm tới. Ảnh: Báo Nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Khả năng tăng doanh thu từ thay đổi hành vi tiêu dùng và mở rộng tiếp cận nhiều nguồn vốn đầu tư từ xu hướng toàn cầu, là hai cơ hội đang chờ sẵn các doanh nghiệp Việt Nam nếu họ thực hành kinh doanh bền vững.

Tại hội thảo nâng cao năng lực quản trị công ty theo định hướng kinh doanh bền vững theo 3 yếu tố: Môi trường – xã hội – quản trị (ESG) do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức, chiều 1/6, TS. Lê Anh Tú, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam cho biết, PwC đã có các khảo sát khắc họa những nét cơ bản về bức tranh thực hành ESG ở Việt Nam.

Cụ thể, trong Khảo sát thói quen người tiêu dùng (tháng 4/2023), PwC đã ghi nhận 96% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả ở mức cao hơn cho các sản phẩm được sản xuất bởi doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh.

95% người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm tiêu dùng có nguồn gốc rõ ràng và 93% người tiêu dùng mong muốn lựa chọn các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế bền vững.

Trong khi đó, tại Báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG của Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (2022/2023), số doanh nghiệp chưa xác định kế hoạch cụ thể thực hành ESG trong 2-4 năm tới chiếm 20%. Số doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch từ 2-4 năm tới là 35% và đã lập kế hoạch đưa ra cam kết thực hiện là 44%.

“Điểm đáng mừng là phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, chiếm 79% đã cam kết và lập kế hoạch thực hành ESG từ 2-4 năm tới”, ông Tú nói.

Những cam kết của các chính phủ quốc tế trong kinh doanh bền vững. Nguồn: PwC.

Những cam kết của các chính phủ quốc tế trong kinh doanh bền vững. Nguồn: PwC.

Theo TS. Lê Anh Tú, điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tiệm cận được với xu hướng thế giới. Ngày càng nhiều quốc gia là đối tác giao thương quan trọng với Việt Nam đã ban hành các quy định về phát triển bền vững.

Số lượng chính sách liên quan đến ESG ở châu Á – Thái Bình Dương đã tăng gấp 2 lần năm 2016. Số lượng các chính sách này trên toàn cầu cũng tăng 1,9 lần trong cùng mốc thời gian. Điều đó cho thấy, ESG sẽ giúp doanh nghiệp có được những cơ hội mới để tạo ra doanh thu.

TS. Lê Anh Tú lấy ví dụ về câu chuyện của Huyndai Steel lọt vào danh sách 10 doanh nghiệp bền vững hàng đầu thế giới của Hiệp hội Thép thế giới 2023 để minh chứng cho những cơ hội mà doanh nghiệp có thể thu về từ thực hành kinh doanh bền vững.

Huyndai Steel đã có một loạt nỗ lực để thực hiện mục tiêu ESG. Năm 2021, công ty đề ra 64 nhiệm vụ để giảm cường độ năng lượng. Trong đó, khoảng 9,2 tỷ KRW (7,7 triệu USD) được đầu tư cho 18 nhiệm vụ và công ty đạt được 22 tỷ KRW (18,48 triệu USD) từ 23 nhiệm vụ tiết kiệm điện.

Huyndai Steel cũng cải thiện mô hình công nghệ, tiết kiệm được 220 triệu KRW (gần 185.000 USD) chi phí khí thiên nhiên hóa lỏng LNG hàng năm.

Hội thảo nâng cao năng lực quản trị công ty theo định hướng ESG, chiều 1/6.

Hội thảo nâng cao năng lực quản trị công ty theo định hướng ESG, chiều 1/6.

Nhiều quỹ đầu tư chờ đón

Từ phía một quỹ đầu tư, ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital, cũng khẳng định cơ hội vốn sẽ rộng mở đối với doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital, để ứng dụng ESG, trước hết doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, xem đây là cơ hội thay vì nhìn nhận như mối đe dọa và từ đó có thể thực hiện một cách chủ động.

“Tuy nhiên hiện nay, những cơ hội chưa được khai thác khi triển khai thực hành ESG: Giảm chi phí vốn, giảm rủi ro pháp lý, mở rộng khách hàng, tỷ suất lợi nhuận cao hơn; thu hút dòng vốn từ các quốc gia phát triển,... Vì vậy, các doanh nghiệp nên chú trọng giải quyết các vấn đề này để hướng tới kinh doanh bền vững”, ông Công phân tích,

Ông Vũ Chí Công cũng cho biết, VinaCapital đánh giá cao doanh nghiệp chủ động thực hành ESG thông qua những hành động thiết thực như tối ưu hóa nguyên vật liệu, năng lượng, thúc đẩy tái chế, tái sử dụng…

“Nếu trước đây các quỹ đầu tư chủ yếu chỉ quan tâm đến những vấn đề liên quan đến lợi nhuận, dòng tiền, thì hiện nay, các quỹ bắt đầu thực hành đánh giá những rủi ro doanh nghiệp có thể gây ra cho môi trường cũng như sự quan tâm của doanh nghiệp dành cho vấn đề phát triển bền vững như thế nào, lấy đó làm tiêu chí quan trọng để xem xét đầu tư”, ông Công khẳng định.

Bên cạnh đó, theo ông Công, không chỉ vốn từ quỹ đầu tư mà các nguồn vốn nước ngoài, đơn cử như dòng vốn đầu tư FDI từ các quốc gia đang phát triển cũng đang vận hành theo xu thế này.

“Do đó, doanh nghiệp cần phải chủ động nâng cao ý thức, thực tiễn hóa tầm nhìn bền vững để chớp lấy cơ hội”, Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital khuyến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp