Bà Sylvia Talman-Gut, quan chức phụ trách kinh tế bang Zug của Thụy Sĩ, cho biết Nord Stream 2 AG đã bị vỡ nợ và không đảm bảo kế hoạch, do mất khả năng thanh toán vì các lệnh trừng phạt. Chính vì thế, công ty không thể tiếp tục hoạt động và phải nộp đơn xin phá sản với toàn bộ hơn 140 nhân viên bị cho thôi việc.
Đăng ký hoạt động tại Thụy Sĩ, Nord Stream 2 AG là công ty thuộc sở hữu tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga. Năm ngoái, nó đã hoàn thành dự án 11 tỷ USD nối Nga với Đức với dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất bơm khí tự nhiên cho quốc gia châu Âu này.
Nord Stream 2 đang chờ sự chấp thuận của giới chức Đức để có thể đi vào hoạt động. Tuy nhiên, khủng hoảng ở Ukraine đã khiến Đức ngày 22/2 tuyên bố tạm dừng quy trình phê chuẩn này như một biện pháp trừng phạt với Nga, sau khi Moscow công nhận độc lập và đưa lực lượng tới hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine (còn gọi là khu vực Donbass).
Ngay sau đó, ngày 23/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho chính quyền của ông áp đặt các biện pháp trừng phạt Nord Stream 2 AG làm dự án hoàn toàn tê liệt.
Dự án Nord Stream 2 nối Ngá - Đức. |
Với Nord Stream 2, ông lớn khí đốt Nga - Gazprom đã đầu tư hơn 50% chi phí xây dựng đường ống, phần còn lại trong dự án 11 tỷ USD được đầu tư bởi hãng dầu khí Shell (Anh), OMV (Áo), Engie (Pháp), Uniper và Wintershall DEA (Đức).
Hiện nay, Shell, Engie, OMV và Wintershall DEA không có tuyên bố chính thức liên quan tới thông tin Nord Stream 2 AG phá sản. Trong khi đó, người phát ngôn của Uniper cho biết công ty hiện không nhận được thông tin về việc này.
Kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trên lãnh thổ Ukraine, nhiều công ty lớn, bao gồm cả các công ty dầu mỏ, cho biết họ sẽ rời hoạt động của mình vào Nga. Shall và nhiều công ty khác nói rằng họ sẽ không còn tham gia các khoản đầu tư khác liên quan tới Nord Stream 2.
Theo bà Thalmann-Gut của bang Zug, hiện tại có nhiều công ty khác của Nga đặt trụ sở tại bang này và có thể sẽ còn xuất hiện thêm nhiều vụ phá sản nữa do các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow.
Nga hiện đang là trọng tâm trong các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Mỹ và đồng minh không ngần ngại tuyên bố các biện pháp trừng phạt được thiết kế để gây tổn hại lớn nhất đến nền kinh tế Nga. Thậm chí, các vũ khí cứng rắn nhất, bao gồm hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cũng đã được kích hoạt để chống Nga.
Hệ quả là, hàng nghìn doanh nghiệp châu Âu, từ công ty năng lượng Pháp đang hoạt động tại vùng biển Bắc Cực của Nga hay những cửa hàng thời trang xa xỉ Italia gần Quảng trường Đỏ đến các nhà máy ô tô của Đức quanh miền nam nước Nga… đang cấp tập chuẩn bị cho những tổn thất có thể xảy ra khi các nước phương Tây gồm Mỹ, EU và Anh áp các lệnh trừng phạt Nga.