Ngày 16/2, OpenAI ra mắt ứng dụng tạo video tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo - Sora, giúp người dùng sáng tạo video nhanh chóng thông qua các câu lệnh đơn giản.
Theo mô tả của OpenAI, Sora là mô hình trí tuệ nhân tạo tạo sinh hoạt động tương tự công cụ tạo ảnh Dall-E. Người dùng chỉ cần nhập các câu lệnh và Sora sẽ trả lại video chất lượng cao dựa trên yêu cầu của người dùng. Ngoài ra, công cụ này còn tạo ra video từ hình ảnh tĩnh, kéo dài video hoặc lấp đầy khung hình trống. Sora chỉ có thể tạo các video dài một phút trở xuống.
Một cảnh quay do Sora tạo ra. Theo: OpenAI. |
Hiện tại, Sora chỉ được cung cấp cho Red Teamers (đội ngũ kiểm tra đỏ) - nhóm người chuyên đánh giá rủi ro, mối nguy hại tiềm ẩn ở các mô hình. OpenAI chưa phát hành bất kỳ bản thử nghiệm công khai nào ngoài 10 clip mẫu có sẵn trên trang web bởi sản phẩm đang trong quá trình kiểm tra độ an toàn.
Sora ra đời trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ lớn như Meta, Google, Amazon hay một số startup như Stability AI đua nhau phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo tạo video tiên tiến. Mới đây, Amazon phát hành mô hình Create with Alexa chuyên tạo nội dung hoạt hình dạng ngắn dành cho trẻ em dựa trên những câu lệnh.
Giới chuyên gia nhận định, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một từ thông dụng trong năm 2023, đặc biệt là thông qua các ứng dụng như ChatGPT. Sức nóng của nó và sự yêu thích của công chúng khiến các công ty lần lượt tung ra các sản phẩm tương tự.
Về mặt bản chất, trí tuệ nhân tạo tạo sinh là các công cụ cho phép người sử dụng tạo ra nhiều nội dung mới dựa trên dữ liệu đầu vào khác nhau. Bằng cách sử dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, người sử dụng có thể chẩn đoán y học, viết kịch bản, tạo bản tóm tắt pháp lý và phần mềm gỡ lỗi cùng nhiều ứng dụng khác.
Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nói: "Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm thiểu tác động của lạm phát, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và thậm chí khắc phục suy thoái kinh tế. Các giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ thông tin tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh mới và tìm thấy những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu".
Báo cáo mới đây của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, trí tuệ nhân tạo thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% trong vòng 10 năm tới và 300 triệu việc làm toàn thời gian sẽ được tự động hóa, đồng thời gia tăng những công việc mới. Hay như báo cáo của PwC cho thấy, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng góp khoảng 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Do đó, các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo hiện nay tập trung chủ yếu vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh thu, tối ưu chi phí và nâng cao tính liên tục của hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến mối lo ngại ngày càng tăng về cách công nghệ này có thể vi phạm quyền riêng tư, đưa ra quyết định sai lệch về việc làm, lừa đảo quyền lực và tạo ra thông tin sai lệch.
"Khi bắt đầu phát triển và triển khai các mô hình trí tuệ nhân tạo, các tổ chức sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về độ tin cậy, rủi ro, an ninh, quyền riêng tư và đạo đức", chuyên gia Frances Karamouzis nhấn mạnh.
Theo dữ liệu từ công ty máy học Clarity, năm 2023 số lượng deepfake do trí tuệ nhân tạo tạo ra đã tăng 900% so với năm trước đó.
Chính phủ nhiều nước đã yêu cầu các tổ chức, công ty áp dụng phương pháp đảm bảo tính đạo đức khi triển khai các giải pháp trí tuệ nhân tạo. Mới đây, ngày 19/12, OpenAI công bố một lộ trình an toàn mới trong phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo, nhằm giải quyết các rủi ro mà công nghệ tiên tiến này đặt ra.
Theo kế hoạch, OpenAI sẽ chỉ triển khai công nghệ mới nhất trong các lĩnh vực cụ thể như an ninh mạng và hạt nhân nếu chúng đã được xác nhận là an toàn. Công ty cũng sẽ thành lập một nhóm cố vấn chuyên biệt để nghiên cứu các báo cáo an toàn trước khi chúng được gửi đến các giám đốc điều hành và hội đồng quản trị của công ty.