Một sạp bán đá tại Karachi, Pakistan ngày 27/5/2025. Ảnh: Getty Images |
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Shahid Abbas, một quan chức cấp cao của Cục Khí tượng Pakistan cho biết nhiệt độ ghi nhận được tại Mohenjo Daro, một thị trấn ở Sindh, lên tới 52,2 độ C vào ngày 27/5. Nhiệt độ này là mức cao nhất trong mùa hè năm 2024 tính tới hiện tại, gần đạt mức cao kỷ lục của tỉnh Sindh là 53,5 độ C và của cả quốc gia này ở ngưỡng 54 độ C.
Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở Pakistan là vào năm 2017 khi nhiệt độ tăng lên 54 độ C tại thành phố Turbat, nằm ở tỉnh Balochistan phía Tây Nam nước này. Vào thời điểm đó, ông Sardar Sarfaraz, Giám đốc Khí tượng học tại Cục Khí tượng Pakistan, cho biết đây là thời điểm nóng thứ hai ở châu Á và nóng thứ tư trên thế giới.
Mohenjo Daro là vốn một thị trấn nhỏ có mùa hè nóng bức, mùa đông ôn hòa và nổi tiếng với các địa điểm khảo cổ có niên đại từ Nền văn minh Thung lũng Indus được xây dựng vào năm 2500 TCN. Nơi này thường nhộn nhịp khách hàng nhờ vào các khu chợ, tiệm bánh, quán trà, tiệm cơ khí, cửa hàng sửa chữa điện tử và người bán rau quả.
Tuy nhiên trong bối cảnh nắng nóng gay gắt, các cửa hàng tại đây gần như không ghi nhận bất kỳ khách hàng nào qua lại. CNN dẫn lời người dân địa phương Wajid Ali, 32 tuổi, chủ một quán trà trong thị trấn, cho biết: “Khách hàng không đến các cửa tiệm vì nắng nóng khắc nghiệt. Tôi chỉ ngồi nhàn rỗi ở cửa hàng với những bộ bàn ghế này trong khi không có khách hàng nào cả”.
Gần cửa hàng của Ali là một cửa hàng sửa chữa điện tử do cư dân địa phương Abdul Khaliq, 30 tuổi, điều hành. Anh cũng phàn nàn về việc nắng nóng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình.
Trong những ngày tới, cơ quan khí tượng Pakistan dự đoán sóng nhiệt sẽ giảm bớt ở Mohenjo Daro và các khu vực xung quanh. Tuy nhiên, một đợt nắng nóng khác có thể sẽ tấn công các khu vực ở Sindh, bao gồm Karachi - thành phố lớn nhất tại quốc gia này.
Pakistan không phải quốc gia duy nhất đang ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục vào mùa hè mà còn nhiều quốc gia khác trên khắp châu Á. Trước đó vào ngày 21/5, chính quyền thành phố Delhi, Ấn Độ buộc phải ra lệnh cho các trường học đóng cửa sớm cho kỳ nghỉ hè trong bối cảnh nơi này đang trải qua một đợt nắng nóng nghiêm trọng với nhiệt độ liên tục vượt quá 46 độ C trong nhiều ngày liên tiếp.
Các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia cũng đều ghi nhận tình trạng nắng nóng cực đoan trong năm 2024. Tính tới 10/5, Bộ Y tế Thái Lan cho biết có 61 người đã thiệt mạng vì say nắng kể từ đầu năm 2024, cao so với 37 người trong cả năm 2023.
Trong khi đó, Cục Khí tượng Malaysia (MetMalaysia) ngày 21/4 đã ban hành cảnh báo thời tiết nắng nóng cấp độ 1 cho 10 khu vực trên cả nước trong bối cảnh quốc gia này trải qua mùa khô nóng kể từ tháng 2. Cảnh báo nắng nóng cấp độ 1 thường được đưa ra khi nhiệt độ tại một địa điểm nằm trong khoảng từ 35 độ C đến 37 độ C trong 3 ngày liên tiếp.
Do biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu, các nhà khoa học cảnh báo thời tiết nắng nóng kỷ lục và nhiệt độ cao sẽ còn trở nên dữ dội với tần suất thường xuyên hơn nữa trong tương lai.