Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. |
Thảo luận ở Tổ 4 sáng 16/1 về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ việc phân cấp triển khai thực hiện về cho địa phương. Một số đại biểu đề xuất phân cấp mạnh hơn nữa để các chương trình sớm về đích.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thống nhất với các cơ chế đặc thù theo Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban. Bà đề nghị nên giao về cho cấp huyện tổ chức thực hiện, đồng thời rút ngắn thủ tục, dễ quyết toán. “Như báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc đã chỉ ra, hiện một số nội dung kinh phí ít nhưng yêu cầu thủ tục, yêu cầu quyết toán rất rườm rà”, bà Yến nói.
Đại biểu cũng đề xuất, nếu Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp này thì Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh thành phân bổ nguồn vốn sớm để các địa phương thực hiện. Thực tế thời gian qua, việc phân bổ vốn diễn ra chậm. Theo bà Yến, điều này dẫn đến chậm thực hiện, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn Bà Rịa Vũng Tàu. |
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lai Châu băn khoăn về quy định HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định.
"Tôi nghĩ rằng lần này chúng ta vừa tháo gỡ khó khăn, vừa thực hiện thí điểm, nếu giao đến tỉnh các dự án thành phần thì vẫn mắc, có vấn đề gì cần thay đổi thì vẫn cần phải họp HĐND tỉnh, mất một khâu thời gian", đại biểu nói. Ông Khánh đề xuất mạnh dạn giao về HĐND huyện, không đặt trường hợp cần thiết, còn nếu quy định như vậy thì phải rõ trường hợp nào là cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đồng ý với đại biểu Hoàng Quốc Khánh về điều chỉnh cụm từ "trong trường hợp cần thiết", vì nếu quy định như vậy thì sẽ gây mập mờ, khó giải quyết. Theo bà, đã phân cấp thì cần rõ ràng, mạnh mẽ, phần nào của HĐND tỉnh, phần nào của HĐND huyện.
Đại biểu nêu ý kiến thêm đối với số vốn hơn 30.000 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư. Đây là tồn tại kéo dài lâu nay khiến các chương trình bị chậm. Theo bà Sửu, nếu đã thiếu thủ tục thì các cơ quan cần có hướng dẫn để các địa phương, bộ ngành đăng ký sớm triển khai thực hiện.
Sau khi Nghị quyết ban hành thì các bộ ngành có tiếp tục ban hành các thông tư hướng dẫn độc lập nữa không? Nếu có thì tôi đề nghị các bộ ngành ngồi lại làm một hướng dẫn chung thôi, nếu không sẽ “mạnh anh mạnh tôi” lại gây khó cho địa phương. Đồng thời phải ấn định thời gian giao ngân sách thường xuyên, tránh thời gian không thuận lợi cho vùng cao, biên giới hải đảo, vùng sâu vùng xa...
Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế thì cho rằng, việc phân cấp cho cấp huyện cần phải tuỳ thuộc vào địa phương. Bởi vấn đề đặt ra là cấp huyện có đủ năng lực không? Thực tế một số huyện khó khăn, năng lực cán bộ có hạn, không phải cứ phân cấp là làm được. Vì vậy ông cho rằng phải dựa vào bộ máy, năng lực, điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất... để lựa chọn phân cấp, và việc này nên giao cho địa phương quyết định.
Giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu nêu tại tổ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, dự thảo Nghị quyết về các chính sách đặc thù cho các chương trình mục tiêu quốc gia là cơ chế mạnh mẽ chưa từng có. Nếu Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này thì dù lựa chọn phương án nào cũng là thành công, bởi 8 cơ chế trình đều khác với luật hoặc vượt lên trên luật.
Theo Phó Thủ tướng, nguyên tắc lớn nhất của 8 nhóm chính sách của cơ chế đặc thù là phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở, tăng cường kiểm tra giám sát, trong đó có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.
Trước đề xuất của các đại biểu về việc phân cấp mạnh hơn, Phó Thủ tướng nêu vấn đề: "Bây giờ phân cấp cho huyện, xã có kham nổi không, nếu không khéo chúng ta sẽ mất cán bộ. Vì vậy chúng tôi cũng phân vân phân cấp tới đâu, phải có tính khả thi, anh em ở dưới phải làm được. Có những điều là mong muốn của các đại biểu nhưng chưa dám phân cấp".
Liên quan đến vấn đề đại biểu nêu về 30.000 tỷ đồng chưa đủ thủ tục pháp lý để triển khai, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc "một đồng ngân sách Nhà nước phải đối xử có trách nhiệm". "30.000 tỷ đồng chứ không phải 30.000 đồng, con số rất lớn. Hồ sơ thủ tục phải đủ, phải đáp ứng đã", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.