Phú Yên đề xuất Bộ NN&PTNT cấp Code cho “Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu”. |
Tỉnh Phú Yên hiện chiếm khoảng 70% sản phẩm tôm hùm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn do tốn nhiều chi phí vận chuyển.
Do đó, Tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc", ngày 8/3, ông Nguyễn Trí Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phú Yên đề nghị các cửa khẩu ở Quảng Ninh và phía Quảng Tây (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vận chuyển và thông quan nhanh chóng tôm hùm theo đường bộ.
Về phía doanh nghiệp Quảng Tây và chính quyền phía Trung Quốc, ông Phương đề nghị phía bạn thông tin minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng, cỡ loại, mùa vụ, giá cả tôm hùm để người nuôi chủ động nuôi và xuất bán đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, giá cả, đảm bảo đôi bên cùng có lợi.
“Chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chính ngạch tôm hùm nuôi qua đường bộ”, ông Phương nêu ý kiến.
Về tình hình nuôi tôm hùm của Phú Yên, đại diện Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp hướng đến tôm hùm nuôi là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Trong đó, rà soát, tích hợp vào quy hoạch tỉnh một số vùng nuôi tôm hùm công nghệ cao trong bể trên bờ để đa dạng hình thức nuôi, cơ cấu lại vùng nuôi, giảm áp lực nuôi trên vịnh Xuân Đài, đảm bảo phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững.
Tỉnh cũng chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ ngành hàng tôm hùm để tăng năng lực sản xuất và tiêu thụ. Ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho tổ chức, cá nhân nuôi tôm hùm trên biển, trên bờ.
Phú Yên đã cấp mã số vùng nuôi, giám sát truy xuất nguồn gốc tôm hùm nuôi để xuất khẩu sản phẩm chính ngạch đến thị trường Trung Quốc mang lại nguồn thu ngoại tệ và lợi nhuận cao.
Để tạo thuận lợi xuất khẩu, đại diện Sở NN&PTNT Phú Yên kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi tôm hùm trong bể trên bờ và trên biển. Đồng thời, đề xuất Bộ xét cấp Code cho “Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu”, hướng dẫn các điều kiện kỹ thuật từ đầu vào đến đầu ra nhằm đảm bảo sản phẩm tôm hùm nuôi đáp ứng yêu cầu nhập khẩu phía Quảng Tây.
Ban tổ chức trao giải món ăn đặc sản được chế biến từ tôm hùm xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam tại Lễ hội Tôm hùm Sông Cầu, tháng 8/2022. |
Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, vùng nuôi tôm hùm tập trung trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở các đầm, vịnh kín sóng gió như Xuân Đài, Cù Mông (thị xã Sông Cầu), các vùng biển hở ven bờ tại các xã An Ninh Đông, An Hòa, An Hải và An Chấn (huyện Tuy An) và vịnh Vũng Rô (thị xã Đông Hòa), với gần 100.000 ô lồng.
Để bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống tại vùng biển Xuân Đài và An Chấn (tỉnh Phú Yên), Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã triển khai đề tài xây dựng mô hình với sự quản lý của cộng đồng.
Ngoài ra, giải pháp ương nuôi tôm hùm giống trong bể composite của Trung tâm giống tỉnh Phú Yên triển khai cũng là mô hình mang lại hiệu quả cao, tỷ lệ sống đạt 50,2%, đợt 2 có tỷ lệ sống đạt 70,9%, cao hơn mô hình nuôi thương phẩm từ nguồn giống ương tại chỗ là 47% và 52%.
Theo một số hộ nuôi tôm hùm, trước ngày 8/1, khi Trung Quốc chưa mở cửa, việc tiêu thụ tôm hùm diễn ra chậm do chủ yếu tiêu thụ trong nước, có thời điểm giá tôm hùm xanh giảm mạnh chỉ còn 550.000 đồng/kg (loại 3 con/kg).
Tuy nhiên, từ ngày 9/1 trở đi, giá tôm hùm xanh bắt đầu được thương lái thu mua nhích lên, có thời điểm lên đến 850.000 đồng/kg. Hiện, giá tôm hùm xanh giao động ở mức 720.000 đồng/kg.
Còn đối với giá tôm hùm bông có thời điểm rớt thê thảm chỉ còn từ 800.000 - 900.000 đồng/kg (loại1). Tuy nhiên, khi Trung Quốc mở cửa thì giá tôm bắt đầu nhích lên 1,2 triệu đồng/kg và hiện nay dao động từ 1,6 - 1,7 triệu đồng/kg.