Quan chức Nga cảnh báo Đại sứ Lithuania về cầu Crimea

chiến sự Nga - Ukraine
16:42 - 29/04/2024
Xe cộ đi lại trên cầu Crimea. Ảnh: Sputnik
Xe cộ đi lại trên cầu Crimea. Ảnh: Sputnik
0:00 / 0:00
0:00
Quan chức Nga tại Liên Hợp Quốc đã đáp trả gay gắt trước bài đăng trên mạng xã hội của Đại sứ Lithuania tại Thụy Điển về việc ám chỉ cầu Crimea có thể bị tên lửa tầm xa tấn công.

Theo RT, Đại sứ Lithuania tại Thụy Điển Linas Linkevicius ngày 27/4 đã đăng tải 3 bức ảnh trên mạng xã hội X, gồm: cây cầu Crimea, vụ phóng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất và hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đang trong tâm trạng suy ngẫm.

“Nếu ai đó chưa có cơ hội chụp ảnh ở cầu Kerch (Crimea) thì vẫn còn thời gian,” ông Linas Linkevicius viết.

Bài đăng trên X của Đại sứ Lithuania tại Thụy Điển Linas Linkevicius.

Bài đăng trên X của Đại sứ Lithuania tại Thụy Điển Linas Linkevicius.

Ngay sau đó, Phó đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cảnh báo ông Linkevicius và những người có quan điểm giống ông cuối cùng sẽ “hối hận về tất cả những hành vi sai lầm như vậy”.

Thông điệp từ Đại sứ Lithuania – quốc gia thành viên NATO và EU, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 24/4 xác nhận rằng Mỹ đã bí mật chuyển giao cho Ukraine một số lượng “đáng kể” tên lửa ATACMS với tầm bắn lên tới 300km. Với bài đăng của mình, ông Linkevicius dường như ám chỉ rằng loại tên lửa tầm xa của Mỹ có thể được sử dụng để tấn công cầu Crimea.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cũng xác nhận thông tin trên, cho biết loạt tên lửa trên là một phần của gói viện trợ khẩn cấp trị giá 300 triệu USD được Tổng thống Joe Biden phê duyệt hồi tháng 3. Ông Patel cho biết Ukraine đã nhận được loại khí tài này trong tháng 4.

Phản ứng với động thái trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25/4 nói rằng việc Washington chuyển tên lửa ATACMS tầm xa cho Kiev sẽ buộc Moscow "mở rộng vùng đệm an ninh hay vùng phi quân sự hóa" để bảo vệ công dân và lãnh thổ Nga. Ông cũng nói rằng việc tiếp nhận thêm những vũ khí tầm xa sẽ chỉ khiến Ukraine hứng chịu thương vong và tổn thất.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Đức hồi đầu tháng 3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng được hỏi rằng liệu Kiev có định phá hủy cầu Crimea trong năm nay hay không. "Chúng tôi rất muốn làm điều đó," ông Zelensky nhấn mạnh.

Người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố việc các quan chức Kiev công khai lên tiếng về "kế hoạch khủng bố" nhằm vào cơ sở hạ tầng của Nga một lần nữa chứng tỏ quyết định tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Kiev là đúng đắn.

Bán đảo Crimea đã tách khỏi Ukraine ngay sau sự kiện được phía Nga gọi là cuộc đảo chính Maidan năm 2014, nhằm lật đổ Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là Viktor Yanukovich. Sau đó, bán đảo này tiến hành trưng cầu dân ý và gia nhập Liên bang Nga.

Kể từ đó, việc giành lại Crimea đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất tại Ukraine. Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng nhiều quan chức khác đã nhiều lần khẳng định mong muốn giành lại Crimea vì "đây là lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi".

Tin liên quan

Đọc tiếp