Xác định Internet là mặt trận nóng bỏng chống hàng giả. Ảnh minh họa: Phương Thảo. |
Tại tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ” ngày 30/6, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Internet đang là một mặt trận mới trong công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
"Có đến 80 - 90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được tiêu thụ, được mua bán trên mạng. Mặt trận này rất nóng bỏng, bắt ở ngoài thực tế đã khó rồi, bắt trên mạng còn khó hơn rất nhiều bởi đặc thù của Internet", ông Linh bày tỏ.
Với nhận thức rõ những khó khăn đó, ông Trần Hữu Linh cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung phối hợp với các Bộ/ngành liên quan triển khai các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.
"Chúng tôi coi đây là mặt trận nóng bỏng và rất khó nhưng với nghĩa vụ, trách nhiệm vẫn phải làm. Các giải pháp sẽ được đồng bộ từ việc chống thất thu thuế trên thương mại điện tử, đến việc dùng biện pháp kỹ thuật truy tìm dấu vết của những người bán hàng”.
Tại tọa đàm do Tạp chí Công Thương tổ chức, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong 6 tháng đầu năm nay vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Từ giữa năm 2022 khi dịch Covid-19 bắt đầu giảm nhẹ, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bắt đầu sôi động trở lại và có chiều hướng gia tăng, ngày càng phức tạp, tinh vi.
Đáng chú ý, ông Linh cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc đã được rào kín, việc hàng giả đưa qua các đường mòn, lối mở gần như bằng 0. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn vận chuyển hàng giả về trong nước bằng cách công khai, tổ chức lập doanh nghiệp trà trộn hàng giả đi qua các cửa khẩu chính thức với số lượng lớn.
"Hiện nay, đối tượng làm hàng giả rất tinh vi và nghiên cứu pháp luật rất kỹ để luồn lách cơ quan Nhà nước. Nhiều sản phẩm hàng giả được làm giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Quá trình xử lý những tranh chấp này mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng như chúng tôi còn bị các đối tượng đấy kiện ngược lại", ông Trần Hữu Linh chia sẻ.
Phòng trưng bày hàng giả, hàng nhái của Tổng cục Quản lý thị trường tại 62 Tràng Tiền, Hà Nội. Ảnh: Quách Sơn. |
Bàn về giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhìn nhận, một mình lực lượng Quản lý thị trường không thể “ba đầu sáu tay” làm tất cả được mọi việc.
Do đó, ông Lập cho rằng, cần thiết lập các quan hệ trong hợp tác công – tư để giải quyết, bảo vệ lợi ích chung của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
“Quan trọng nhất là thức tỉnh nhận thức, bắt đầu từ việc doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì phải chủ động, không chờ đợi cơ quan chức năng. Người tiêu dùng muốn bảo vệ mình phải trông cậy vào các hiệp hội là những người đại diện cho mình, hoặc thông qua các luật sư. Từ đó tạo thành một cơ chế hợp tác đa bên giải quyết vấn nạn chung”, ông Lập nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cũng cho biết, pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh, như Luật Sở hữu công nghiệp, Luật Thương mại, quy định phòng chống cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng… Việc thực thi các chế tài hiệu quả hơn nữa trong thực tế sẽ giúp đẩy lùi vấn nạn này.