Sản lượng bán hàng của Hòa Phát tăng trưởng trở lại sau giai đoạn ảm đạm

HÒA PHÁT Ngành Thép
17:17 - 06/01/2023
Sản lượng ống thép Hoà Phát năm 2022 tăng 11% so với cùng kỳ.
Sản lượng ống thép Hoà Phát năm 2022 tăng 11% so với cùng kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Sau giai đoạn ảm đạm với nhiều khó khăn chung từ thị trường, doanh nghiệp thép đầu ngành bắt đầu đón tín hiệu khởi sắc trở lại, chí ít là về sản lượng bán hàng và giá bán.

Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) công bố kết quả kinh doanh tháng 12 với sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 558.000 tấn, tăng 26% so với tháng 11. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm là 358.000 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ. HRC đạt 144.000 tấn, còn lại là phôi thép.

Bên cạnh sự cải thiện về sản lượng bán hàng, Hòa Phát cũng đã nâng giá bán thép. Trong 2 tuần qua, Hòa Phát đã hai lần nâng giá bán thép cuộn, lần gần nhất diễn ra vào ngày 6/1/2023, với mức nâng 200.000 đồng/tấn.

Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng, HRC.

Đóng góp chính vào sản lượng bán hàng là thép xây dựng và HRC. Thép xây dựng ghi nhận 4,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ và đóng góp 59% trong tổng sản lượng thép các loại. Trong đó xuất khẩu đóng góp gần 1,2 triệu tấn. Mặt hàng HRC đạt hơn 2,6 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Năm 2022, Hòa Phát sản xuất nhiều mác thép mới, nghiên cứu phát triển các dòng thép kỹ thuật khó như thép cuộn làm tanh lốp ô tô, đinh vít, và thép thanh vằn đóng cuộn ….

Ở nhóm sản phẩm hạ nguồn, sản lượng ống thép Hòa Phát đạt gần 750.000 tấn, tăng khoảng 11% so với năm 2021. Mặt hàng tôn mạ đạt 328.000 tấn, về lượng giảm 23% so với cùng kỳ do thị trường xuất khẩu sa sút, riêng sản lượng bán hàng nội địa tăng khoảng 21%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG cũng ghi nhận sự hồi phục sau khi trôi về mức đáy 12.000 đồng. Kết phiên 6/1 ở mức 19.400 đồng, mã của Hòa Phát đã tăng tới gần 62%.

Trong báo cáo phân tích cuối tháng 12/2022, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá động thái Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu thép xây dựng tại quốc gia này phục hồi. Đây là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp thép trong năm 2023.

Theo KBSV, Hòa Phát hiện đang là doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao nhất ngành thép nên có thể duy trì được lợi thế cạnh tranh và tăng thị phần tiêu thụ thép trong bối cảnh ngành thép suy yếu. Một khi chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành càng ngày càng lớn thì ưu thế của Hòa Phát sẽ càng cao.

Khu liên hợp Dung Quất 2 dự kiến đi vào hoạt động từ cuối 2024 sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn của Hòa Phát, khi giúp doanh nghiệp này lọt top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới với công suất 14,6 triệu tấn/năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Doanh nhân Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong

ĐHĐCĐ Đức Giang: Sáp nhập PAT

Nghiên cứu sáp nhập PAT là một trong các định hướng đầu tư quan trọng của Hóa chất Đức Giang trong năm 2024, bên cạnh xúc tiến xin giấy phép dự án Alumin hay khởi công tổ hợp xút Nghi Sơn giai đoạn 1.
ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.