Đã có 108 nhà máy điện tham gia thị trường điện cạnh tranh sau 10 năm vận hành. Nguồn: Năng lượng Việt Nam. |
Để vận hành thị trường điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tính minh bạch trong huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh, tăng cường tính chủ động của các đơn vị tham gia thị trường.
6 đơn vị mua bán điện gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các Tổng công ty Điện lực: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP Hà Nội và TP HCM trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện, tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện đã từng bước được mở rộng về quy mô.
Sau 10 năm vận hành, thị trường điện đã hình thành hệ thống pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực vận hành thị trường điện. Qua đó, tạo điều kiện cho việc đáp ứng các giai đoạn phát triển cao hơn của thị trường điện.
Thị trường điện cạnh tranh đang triển khai cấp độ 2 (thị trường bán buôn điện cạnh tranh), để tiến tới thực hiện cấp độ 3 của thị trường (thị trường bán lẻ điện cạnh tranh), Bộ Công Thương đã ban hành Thiết kế thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, làm cơ sở để chuẩn bị cho các bước phát triển của thị trường bán lẻ điện tại Việt Nam.
Theo đó, phạm vi của thị trường bán lẻ điện chủ yếu tập trung vào các giao dịch mua bán điện giữa đơn vị mua buôn bán lẻ điện với các khách hàng sử dụng điện thông qua lưới phân phối điện (cấp điện áp từ 110 kV trở xuống). Đây là sẽ là phân khúc thị trường tồn tại song song và tiếp nối các giao dịch trên thị trường bán buôn điện (thông qua lưới truyền tải điện).
Trong thị trường bán lẻ điện, đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện sẽ thoả thuận, thống nhất về giá điện. Nhà nước chỉ quy định về biểu giá điện đối với các đối tượng khách hàng không tham gia mua điện trên thị trường. Đơn vị quản lý lưới phân phối điện sẽ đóng vai trò đơn vị cung cấp dịch vụ lưới điện cho các bên tham gia thị trường (đơn vị bán lẻ, khách hàng sử dụng điện).
Để triển khai thị trường bán lẻ điện, Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện một loạt các điều kiện tiên quyết. Trong đó, cấp thiết nhất là phải tách bạch hoạt động/chi phí khâu phân phối điện (mang tính độc quyền tự nhiên) và khâu kinh doanh bán lẻ điện (mang tính cạnh tranh).
Mặt khác, cần sửa đổi Luật Điện lực, Luật Giá để hoàn thiện các quy định về giá phân phối điện, cũng như các văn bản hướng dẫn dưới Luật để có cơ sở pháp lý định giá phân phối điện áp dụng cho các đơn vị sử dụng dịch vụ lưới điện phân phối.
Ngoài ra, cần thiết phải thực hiện cải cách giá điện theo lộ trình để chuyển đổi sang thị trường bán lẻ điện, đảm bảo thực hiện giá điện minh bạch, xác định theo nguyên tắc thị trường, nhằm phản ánh đúng và đầy đủ tất cả các chi phí đầu vào hợp lý, hợp lệ. Đồng thời cần phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, các cơ chế bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng điện, chính sách hỗ trợ giá bán lẻ điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách.
Thị trường điện cạnh tranh Việt Nam vận hành chính thức từ ngày 1/7/2012. Đến nay, thị trường điện cạnh tranh đã và đang trải qua 2 giai đoạn phát triển: Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) và thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Năm 2012 là thời điểm bắt đầu vận hành chính thức VCGM, mới có 31 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện, với tổng công suất 9.212 MW. Đến nay, sau 10 năm vận hành, số lượng nhà máy tham gia trực tiếp tăng xấp xỉ 3,5 lần (108 nhà máy), với tổng công suất đặt tăng khoảng 3,35 lần (30.940 MW), tăng bình quân 13,12%/năm lượng công suất các nhà máy trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện.