Đây là mục tiêu của Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg ngày 14/9/2022.
Đề án đặt mục tiêu triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Đồng thời, quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao đời sống sinh kế của người dân vùng ven biển, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đề án đặt mục tiêu 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên trước khi rời cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định. Đồng thời, những tàu cá này phải được theo dõi, giám sát qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.
Mục tiêu 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAO-2009 (Hiệp định PSMA).
Xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm, trốn tránh kiểm tra
Đề án nêu ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm thông tin truyền thông, tuyên truyền; hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách. Đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá.
Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng kiểm ngư và các lực lượng chức năng khác có liên quan. Quản lý đội tàu, cường lực khai thác, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá.
Thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU; truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản; thực hiện các nghĩa vụ điều ước quốc tế và hợp tác quốc tế.
Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện của toàn bộ tàu cá khi rời cảng, đặc biệt các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.
Kiên quyết ngăn chặn, xử lý tàu cá không đủ điều kiện theo quy định tham gia khai thác hải sản. Cũng như từ chối cho cập cảng và xử lý theo quy định tàu cá không khai báo trước khi cập cảng, không nộp báo cáo, nhật ký khai thác theo quy định. Kiểm soát toàn bộ sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá theo quy định về khai thác IUU.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển như kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân, biên phòng, thanh tra thủy sản...tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là tại các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Kiên quyết đấu tranh khi lực lượng chức năng nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá, ngư dân của ta.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, răn đe, giáo dục.
Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất trong công tác điều tra, xử lý các hành vi khai thác IUU theo quy định của pháp luật.