Trong khuôn khổ Hội nghị COP27 tại Ai Cập, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham dự Hội nghị Bàn tròn về thu hút tài chính hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu.
Hội nghị do Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) tổ chức.
Cùng dự có ông Alok Shama, Chủ tịch COP26; ông Rick Duke, phó đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu; ông Mark Carney, Chủ tịch Liên minh GFANZ; ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu; đại diện các ngân hàng phát triển đa phương và các định chế tài chính, các thành viên Đoàn công tác của Việt Nam tại COP27.
Cam kết phát thải ròng bằng "0" là mục tiêu khá tham vọng
Ông Mark Carney - Chủ tịch Liên minh GFANZ, chia sẻ về mục tiêu tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai tài chính xanh, bền vững tại Việt Nam |
Theo ông Mark Carney - Chủ tịch Liên minh GFANZ, những cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu, đặc biệt cam kết phát thải ròng bằng “0” là cam kết tham vọng chuyển đổi năng lượng hóa thạch.
Hội nghị bàn tròn là cơ hội để các định chế tài chính trao đổi về các cơ hội cũng như tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai tài chính xanh, bền vững tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam cam kết sẽ tiến hành chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và mong muốn GFANZ sẽ hỗ trợ đẩy nhanh hơn nữa quá trình này.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị bàn tròn |
Để đóng góp vào mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam cần làm chủ công nghệ sản xuất khí Hydro, amoniac xanh, cách thức vận chuyển, lưu trữ năng lượng và giải pháp đảm bảo lưới điện bền vững.
Việt Nam có đường bờ biển dài, nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng tái tạo khác rất dồi dào. Mặc dù vậy, chưa nói đến kinh phí đầu tư điện gió, quá trình chuyển đổi có thể gây khó khăn về đảm bảo việc làm cho người lao động.
Các nước phát triển cũng cần làm rõ cam kết tài chính 100 tỷ USD dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu, không chỉ tập trung vào chuyển đổi năng lượng mà còn dùng cho nhiều mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu khác nữa.
Theo lộ trình chuyển đổi của Việt Nam, nên chia theo từng bước tận dụng hiệu quả các nguồn tài chính và dần mở rộng phạm vi trong những giai đoạn tiếp theo. Xét đến quy mô và cơ hội, Việt Nam kỳ vọng sẽ tập trung vào điện gió, hydrogen, ưu tiên cho nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.
Ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng để việc chuyển đổi đảm bảo công bằng và quan tâm tới những người bị ảnh hưởng, Việt Nam cần tạo ra môi trường hấp dẫn để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể tham gia hỗ trợ quá trình chuyển đổi.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận với Đoàn công tác của Việt Nam các lĩnh vực chính có thể hợp tác trong tương lai |
Cũng tại Hội nghị, đại diện các ngân hàng phát triển đa phương và các ngân hàng thương mại hàng đầu trên thế giới đã cùng thảo luận với Đoàn công tác của Việt Nam các lĩnh vực chính có thể hợp tác trong tương lai, đồng thời đưa ra các cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng Việt Nam chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các bên tham dự Hội nghị đã thống nhất về cách thức để xây dựng lộ trình đầu tư và các hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Các đại biểu cũng đề cập đến hỗ trợ của các chính phủ, khu vực tư nhân và định chế tài chính đối với JETP; các kế hoạch dài hạn thu hút đầu tư, điều kiện cần thiết để cấp vốn và xây dựng các dự án cụ thể.
Standard Chartered sẽ hỗ trợ Việt Nam thu hút vốn cho chuyển đổi năng lượng
Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết Việt Nam đặt mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và nâng cao khả năng chống chịu trong quá trình chuyển đổi. Việc huy động nguồn lực từ lĩnh vực nhà nước và tư nhân một cách hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết.
Nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi này là rất lớn. Đây là lĩnh vực mà các định chế tài chính như Standard Chartered có thể tư vấn cho chính phủ về mặt chính sách, theo chuẩn mực toàn cầu, từ đó thu hút nguồn vốn bền vững để phục vụ cho chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi tạo ra những tác động tích cực cả về khía cạnh kinh tế lẫn xã hội cho người dân.
Trước đó trong khuôn khổ Hội nghị COP27, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã có buổi làm việc song phương với Ngân hàng Standard Chartered.
Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) là một liên minh toàn cầu gồm nhóm các tập đoàn và ngân hàng hàng đầu cam kết hỗ trợ quá trình trung hòa carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới.