Tăng mạnh doanh thu nhưng Sao Thái Dương vẫn lỗ 3,2 tỷ đồng trong quý 1

SJF Sao Thái Dương
20:45 - 04/05/2023
Tăng mạnh doanh thu nhưng Sao Thái Dương vẫn lỗ 3,2 tỷ đồng trong quý 1
0:00 / 0:00
0:00

Quý 1/2023, CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (HoSE: SJF) ghi nhận doanh thu đạt 37 tỷ đồng, gấp 5,3 lần quý 1/2022, nhưng công ty vẫn ghi nhận khoản lỗ ròng 3,2 tỷ đồng. 

Giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh gần 4,3 lần lên hơn 41 tỷ đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn, SJF ghi nhận lỗ gộp gần 4 tỷ đồng, gấp 1,7 lần mức lỗ cùng kỳ (lỗ 2.3 tỷ đồng).

Về hoạt động tài chính, SJF ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng 8% lên 6,4 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng gấp 2,4 lần cùng kỳ lên 4,8 tỷ đồng. Chi phí bán hàng đã tiết giảm tới 52% so với cùng kỳ xuống còn 168 triệu đồng, nhưng không đáng kể.

Do doanh thu không bù được chi phí, quý 1/2023, SJF vẫn ghi nhận khoản lỗ 3,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi trước thuế 567 triệu đồng và sau thuế 364 triệu đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của SJF đã tăng nhẹ 3% lên 1.041 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn (chiếm hơn 51%) là các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 535 tỷ đồng, tăng 7%. Trong các khoản phải thu của SJF, chủ yếu khoản phải thu về cho vay ngắn hạn đạt 340 tỷ đồng, giảm 6% so với hồi đầu năm. Khoản hàng tồn kho tăng gần 13% lên 36 tỷ đồng…

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng nợ phải trả của SJF đạt 221 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính đạt 125 tỷ đồng, trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 82 tỷ đồng, giảm 25%, khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt 43 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần. Do đó, so với hồi đầu năm, tổng khoản vay và nợ thuê tài chính không có sự thay đổi nhiều.

Trong giai đoạn 2023 - 2024 sắp tới, công ty đặt mục tiêu tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp, đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý và triển khai các dự án quan trọng mới hướng đến sự phát triển bền vững, tạo tiền đề cho sự gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và các năm tới.

Công ty sẽ tập trung tái cấu trúc sản xuất theo hướng chuyển dịch tập trung sản xuất tấm tre ép dạng phôi và phát triển chuỗi liên kết ngành. Phát triển các nhà sản xuất nguyên liệu chế biến sâu hơn để tiến tới nhà máy chỉ ép thành phẩm.

Thúc đẩy hoàn thiện pháp lý các dự án trồng rừng tre kết hợp du lịch sinh thái. Hoàn thiện nghiên cứu công nghệ sản xuất mới và ứng dụng vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Huy động nguồn vốn đáp ứng các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm tre ép mới cho ngành xây dựng và nội thất. Tiếp tục hợp tác quốc tế để phát triển vùng nguyên liệu kết hợp du lịch sinh thái tại Hòa Bình và Sơn La.

CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) được thành lập vào tháng 3/2012. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp giải pháp sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ vi sinh, đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ và cung cấp thực phẩm sạch chất lượng cao, và sản xuất tre ép công nghiệp. Ban đầu công ty cũng cung cấp các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp (mỹ phẩm, tóc..) có nguồn gốc từ thiên nhiên (thảo dược hay hữu cơ như Sakura, Ecoparadise..) từ các thị trường phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc..) đến với người tiêu dùng Việt Nam.

Trước đó, kể từ ngày 12/4, Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã đưa mã chứng khoán SJF của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương vào diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán của công ty.

Giải trình về cơ sở của ý kiến kiểm toán bị loại trừ, ngày 28/4, SJF đã giải trình rằng tại thời điểm kiểm toán, với các tài liệu hiện có, công ty chưa đánh giá được tính hiệu quả cũng như khả năng hoàn vốn của hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Đầu tư Phát triển SCO cũng như khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Xây dựng Tona với số tiền tại 31/12/2022, lần lượt là 101,5 tỷ đồng và 147 tỷ đồng. Do đó, việc tính toán giá trị dự phòng (nếu có) của các khoản đầu tư này chưa xác định được.

Chủ yếu do tại thời điểm lập BCTC, công ty chưa thu thập được BCTC của CTCP Đầu tư và Xây dựng Tona nên chưa có căn cứ tính toán giá trị dự phòng (nếu có) của khoản đầu tư này. Còn với CTCP Đầu tư Phát triển SCO, công ty này đang có các dự án trong giai đoạn triển khai nên chưa có căn cứ đánh giá hiệu quả cũng như khả năng hoàn vốn của hợp đồng hợp tác đầu tư này.

Tin liên quan

Đọc tiếp