Ảnh: The Nation Thailand |
Theo Bangkok Post, tuyên bố trên được ông Prommin Lertsuridej, trợ lý hàng đầu của Thủ tướng Srettha Thavisin, đưa ra sau Hội thảo nâng cao nhận thức về việc trở thành thành viên của OECD do Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESDC) tổ chức.
Ông Prommin cho biết Thái Lan đã gửi ý định thư tới OECD, với mục tiêu thực hiện tham vọng lâu dài là trở thành một nền kinh tế thị trường mạnh mẽ, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Gửi ý định thư chính là bước đầu tiên trong số 10 việc mà Thái Lan cần làm trước khi đơn đăng ký có thể được phê duyệt.
Bên cạnh đó, việc Thái Lan có thể trở thành thành viên của OECD phản ánh sự chấp nhận tiêu chuẩn toàn cầu cao nhất của các nền kinh tế phát triển, điều này sẽ giúp thu hút thương mại và đầu tư vào Thái Lan.
OECD đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế với sự cộng tác của các nước thành viên bao gồm hệ thống kinh tế ổn định, quản trị dân chủ, pháp quyền, hệ thống giáo dục chất lượng và bảo vệ môi trường.
Ông Prommin cũng lưu ý rằng việc trở thành thành viên của OECD đòi hỏi nước này phải cải cách quy định để tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư. Ví dụ, hiện nay, việc xin giấy phép thành lập nhà máy ở Thái Lan phải có sự cho phép của tối đa 19 cơ quan. Do vậy, các quy trình hành chính nên được rút ngắn.
"Nhiệm vụ của nhà nước là hỗ trợ và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Cải cách quy định là lựa chọn rẻ nhất để thu hút đầu tư," ông Prommin khẳng định.
OECD được thành lập vào năm 1961 bởi các nước phát triển. Tổ chức này hiện có 38 thành viên, bao gồm Australia, Áo, Bỉ, Canada, Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ireland, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.
Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là hai quốc gia thành viên châu Á duy nhất của OECD. Vào tháng 7/2023, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - đã chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên của OECD. Cũng trong năm 2023, Thái Lan xác nhận ý định trở thành thành viên của OECD, sau đó Nội các đã phê duyệt việc đệ trình ý định thư.
"Một động lực quan trọng để Thái Lan trở thành thành viên của OECD là nâng cao nhận thức về lợi ích của một quốc gia thành viên trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh lâu dài của đất nước. Các cơ quan chính phủ phải thống nhất sửa đổi các quy tắc và quy định nhằm thúc đẩy sự phát triển có lợi cho các quốc gia thành viên, môi trường đầu tư, tính minh bạch, quản trị tốt và cạnh tranh công bằng," ông Prommin nói.