Ảnh: Microsoft

Thế giới vẫn dè dặt với quy định tuần làm việc 4 ngày

công việc THẾ GIỚI
13:19 - 23/04/2022
Sáng kiến tuần làm việc 4 ngày vẫn hưởng lương đầy đủ được đưa ra nhằm cân bằng giữa năng suất lao động và cuộc sống của nhân viên. Nhưng sau vài năm được thử nghiệm tại nhiều doanh nghiệp, hiện vẫn chưa có nước nào chính thức đưa ra quyết định về ý tưởng này.

Theo Euronews, ý tưởng tuần làm việc rút ngắn còn 4 ngày sẽ giúp các công ty không phải tổ chức quá nhiều cuộc họp như trước và có thể thúc đẩy làm việc độc lập hơn. Đối với những người ủng hộ ý tưởng, chế độ làm việc này là sự cân bằng giữa năng suất lao động và cuộc sống của nhân viên.

Thêm vào đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng một khi chế độ tuần làm việc 4 ngày được thực hiện, sự hài lòng của người lao động với công việc và cả năng suất sẽ được cải thiện. Vào năm 2019, gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã từng thử nghiệm mô hình này bằng cách trong một tháng có một tuần cho nhân viên nghỉ 3 ngày. Động thái này sau đó đã tăng năng suất của nhân viên lên 40% và dẫn đến công việc hiệu quả hơn.

Khi các doanh nghiệp châu Âu dẫn đầu xu thế này, thì các nơi khác trên thế giới cũng rục rịch việc chấp nhận ý tưởng mới. Nhìn chung, ý tưởng về một tuần làm việc kéo dài 4 ngày đang dần dần thu hút được sức hút của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc các Chính phủ có chấp nhận ý tưởng này một cách dứt khoát hay không vẫn chưa được xem xét cụ thể.

Hồi đầu năm nay, người lao động tại Bỉ đã giành được quyền lợi hợp pháp trong việc thực hiện chế độ làm việc 4 ngày thay vì 5 ngày một tuần như trước. Với chính sách mới này, người lao động không những sẽ không bị cắt giảm lương mà còn có thể tự quyết định số ngày làm việc của mình trong 2 lựa chọn trên.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với khối lượng công việc ít hơn mà chỉ đơn giản là thời gian làm việc ngắn hơn. Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo hy vọng rằng chính sách mới này sẽ giúp thị trường lao động và nền kinh tế vốn nổi tiếng cứng nhắc của Bỉ trở nên linh hoạt và năng động hơn, đồng thời giúp mọi người cân bằng cuộc sống cá nhân với sự nghiệp dễ dàng hơn.

Dù đối với một số người ủng hộ thì đây là một tin vui, những người còn lại không tỏ ra hứng thú với lời đề nghị này. Nếu số ngày làm việc bị cắt giảm, một số nhân viên toàn thời gian sẽ phải gia tăng thời gian làm việc trong một ngày trong khi những người lao động như nhân viên làm việc theo ca sẽ không thể hưởng lợi từ sự linh hoạt này.

Tại Thụy Điển, một tuần làm việc 4 ngày với mức lương giữ nguyên đã được thử nghiệm từ năm 2015 với nhiều kết quả khác nhau. Đề xuất được đưa ra là một ngày làm việc 6 giờ thay vì 8 giờ mà không bị giảm lương, tuy nhiên không phải ai cũng hài lòng với ý tưởng chi tiền cho thử nghiệm này.

Kết quả thu được trong một đơn vị chỉnh hình của một bệnh viện tham gia thí điểm là tương đối khả quan, khi nơi này đã chuyển 80 y tá và bác sĩ sang một ngày làm việc 6 giờ và thuê nhân viên mới để bù lại thời gian đã mất. Phản hồi từ các nhân viên y tế tại đây rất tích cực, tuy nhiên cuộc thử nghiệm cũng vấp phải rất nhiều chỉ trích và do đó không được tiếp tục.

Tính tới đầu tháng 4 năm nay đã có tổng cộng 60 công ty với khoảng 3.000 nhân viên tại Vương quốc Anh đăng ký chương trình thí điểm tuần làm 4 ngày, bắt đầu vào tháng 6 năm nay. Các chương trình này sẽ được giám sát bởi các nhà nghiên cứu tại các trường Đại học Cambridge, Oxford (Anh) và Đại học Boston (Mỹ) cũng như các nhóm vận động phi lợi nhuận.

Theo cải cách này, nhân viên sẽ được phép làm việc 9,5 giờ một ngày - tương đương từ 9 giờ sáng đến 6:30 chiều nhằm rút ngắn một tuần làm việc chỉ còn 4 ngày. Nếu thỏa thuận tại công đoàn làm việc được thông qua, một ngày làm việc có thể kéo dài tới 10 tiếng.

Mặt khác tại Scotland, một chương trình thử nghiệm sẽ được bắt đầu vào năm 2023, trong khi xứ Wales cũng đang xem xét một chương trình tương tự. Tại Wales, Ủy viên hội đồng xứ Sophie Howe đã kêu gọi chính phủ thực hiện thử nghiệm 1 tuần làm việc 4 ngày tại khu vực công.

Trong khi đó tại Scotland, kết quả của chính sách này chính là từ lời cam kết lúc tranh cử của Đảng Quốc gia Scotland (SNP) đưa ra. Theo đó, người lao động sẽ được giảm 20% số giờ làm việc, nhưng không phải chịu bất kỳ tổn thất nào về tiền. Ngoài ra, SNP cũng sẽ hỗ trợ các công ty tham gia khoảng 12,9 triệu USD. Một cuộc thăm dò gần đây của Viện nghiên cứu Chính sách Công (IPPR) của Scotland cho thấy, có tới 80% người dân ghi nhận thái độ tích cực.

Một số doanh nghiệp Scotland đã bắt đầu các tuần làm việc bị cắt ngắn của riêng họ, với Tập đoàn UPAC có trụ sở tại Glasgow gần đây cho biết nhân viên của họ sẽ được hưởng một tuần 4 ngày với mức lương như cũ sau khi thực hiện một chương trình thử nghiệm thành công.

Từ 2015 đến 2019, Iceland đã dẫn đầu thế giới trong việc thí điểm tuần làm việc từ 35 đến 36 giờ so với 40 giờ truyền thống mà không cắt giảm lương. Để đảm bảo kiểm soát chất lượng, các kết quả đã được phân tích bởi tổ chức tư vấn Autonomy của Anh và Hiệp hội phi lợi nhuận vì sự bền vững và dân chủ của Iceland (ALDA).

Đã có khoảng 2.500 người tham gia vào giai đoạn thử nghiệm với kết quả thành công và các tổ chức công đoàn Iceland đã thương lượng để giảm giờ làm việc. Nghiên cứu này cũng dẫn đến một sự thay đổi đáng kể tại Iceland với gần 90% dân số đang làm việc hiện đã giảm giờ làm hoặc các lợi ích khác.

Các nhà nghiên cứu tại Iceland cũng phát hiện ra rằng sự căng thẳng và kiệt sức của công nhân giảm bớt và có sự cải thiện trong sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc của nhân viên. Tuy nhiên, không phải chính phủ nào cũng chia sẻ thành công của Iceland với tuần làm việc 4 ngày.

Đầu năm nay, quốc gia Bắc Âu này đã nhanh chóng trở thành tiêu đề quốc tế sau khi được cho là đã cắt giảm đáng kể giờ làm việc cho nhân viên. Tuy nhiên, hóa ra đây là tin tức giả mạo và chính phủ sau đó đã phải vào cuộc ngay lập tức để giải quyết tin đồn.

Trước đó, Thủ tướng đương nhiệm Sanna Marin đã từng nói về ý tưởng này vào tháng 8/2019, tuy nhiên nó vẫn dừng lại ở mức ý tưởng và vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự của chính phủ.

Đức là quốc gia có một trong những tuần làm việc trung bình ngắn nhất tại Châu Âu. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), một tuần làm việc của nhân viên tại quốc gia này chỉ kéo dài trung bình 34,2 giờ. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn tại đây vẫn đang kêu gọi giảm thêm giờ làm việc hơn nữa.

Một cuộc khảo sát của Forsa cũng cho thấy, có tới 71% người lao động tại Đức muốn có lựa chọn chỉ làm việc 4 ngày trong 1 tuần với 3/4 trong số những người được khảo sát cho biết ủng hộ việc chính phủ áp dụng chế độ làm việc 4 ngày. Trong số các nhà tuyển dụng, hơn 2/3 người ủng hộ điều này. Tuy nhiên, biện pháp này có được thực hiện hay không vẫn chưa được thảo luận. Cho đến nay, đối tượng thử nghiệm chủ yếu vẫn là các công ty startup nhỏ hơn.

Tây Ban Nha cũng thông báo vào đầu năm nay rằng chính phủ đã đồng ý về việc khởi động một chương trình thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày cho các công ty quan tâm đến ý tưởng này. Nếu được đưa vào thực thi, sẽ có khoảng 6.000 nhân viên của 200 công ty vừa và nhỏ có thể kéo dài ngày nghỉ cuối tuần thêm một ngày với mức lương giữ nguyên.

Các cuộc thảo luận vẫn đang được tổ chức thường xuyên và cuộc họp tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra trong những tuần tới. Giai đoạn thử nghiệm sẽ kéo dài ít nhất 1 năm, tuy nhiên thời điểm bắt đầu vẫn chưa được quyết định.

Trong khi đó tại New Zealand, 81 nhân viên làm việc cho tập đoàn hàng tiêu dùng khổng lồ Unilever đang tham gia đợt thử nghiệm kéo dài một năm về một tuần làm việc 4 ngày được hưởng nguyên lương.

Theo ông Nick Bangs, Giám đốc điều hành Unilever New Zealand, mục tiêu của tập đoàn là đo lường hiệu suất trên sản lượng chứ không phải thời gian. Do đó, công ty tin rằng cách làm việc cũ đã lỗi thời và không còn phù hợp với mục đích nữa. Nếu thử nghiệm tại New Zealand thành công, có khả năng chế độ này sẽ được mở rộng sang các quốc gia khác nơi Unilever có cơ sở.

Tại Nhật Bản, các công ty lớn đang thử nghiệm đề xuất này sau thông báo của chính phủ Nhật Bản vào năm 2021 về kế hoạch đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho người lao động trên toàn quốc.

Tại một quốc gia nơi làm việc quá sức là nguyên nhân tử vong của rất nhiều người, có nhiều lý do cho thấy những điều này có thể đem lại lợi ích. Những nhân viên phải làm việc thêm giờ thường bị bệnh do quá lao lực hoặc do có khuynh hướng tự tử. Do đó, cắt giảm thời gian làm việc được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực khổng lồ đè nặng lên nhân viên.

Tại Nhật Bản, tình trạng làm việc lao lực đến chết được gọi là karoshi và là vấn nạn gây ra nhiều lo ngại trong xã hội.

Tại Nhật Bản, tình trạng làm việc lao lực đến chết được gọi là karoshi và là vấn nạn gây ra nhiều lo ngại trong xã hội.

Theo khảo sát của nhà cung cấp phần mềm đám mây Qualtrics, 92% người lao động Mỹ ủng hộ tuần làm việc rút ngắn ngay cả khi họ phải làm việc nhiều giờ hơn trong ngày. Người lao động được khảo sát đều cho rằng sức khỏe tinh thần được cải thiện và tăng năng suất là những lợi ích được nhận thấy rõ rệt.

Trong khi đó tại Canada, nghiên cứu từ cơ quan việc làm toàn cầu Indeed cho thấy 41% nhà tuyển dụng nước này đang xem xét lịch trình kết hợp và phong cách làm việc mới sau đại dịch COVID-19. Cuộc khảo sát của Indeed với 1.000 nhà tuyển dụng nhân viên văn phòng ở Canada cho thấy 51% các công ty lớn với hơn 500 nhân viên sẽ "có khả năng thực hiện được tuần làm việc 4 ngày".

Mặt khác, 63% các công ty với quy mô 100-500 nhân viên cho biết sẵn sàng thực hiện một tuần làm việc ngắn hơn. Theo một báo cáo khác của Maru Public Opinion, 79% người lao động toàn thời gian tại Canada cũng sẵn sàng rút ngắn tuần làm việc 5 ngày của họ xuống còn 4 ngày.

Đọc tiếp