Tàu chở hàng của Vận tải và Xếp dỡ Hải An. |
Trong tuần trước, Mekong ASEAN đã có bài viết về các công ty đầu tiên tiết lộ kết quả kinh doanh quý 2, như VNDirect (mã VND), Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (mã GAS), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã CII), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã EIB), CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (mã VPG), CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV), CTCP Đầu tư MST (mã MST)…
Các doanh nghiệp này đều báo doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là GAS và CII gần hoàn thành kế hoạch năm. Eximbank cũng gây ấn tượng khi ước đạt khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi con số này của cả năm ngoái là 1.100 tỷ đồng.
Sang tuần này, một số doanh nghiệp tiếp tục hé lộ tình hình kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022. Dệt may TNG (mã TNG) cho biết doanh thu tháng 6 là 750 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2021 và đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 3.229 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% so với cùng kỳ và thực hiện 54% kế hoạch năm.
Tại talkshow Chọn danh mục trên Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT TNG cho biết lợi nhuận công ty trong 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 124 tỷ, tăng 53% so với cùng kỳ. TNG đăng ký với khoảng 4-5 khách hàng lớn ở Mỹ, Pháp, Colombia, tình hình đơn hàng vẫn ổn định. Với thị trường Nga, giá trị đơn hàng năm 2021 của Dệt may TNG khoảng 10 triệu USD, năm nay dự kiến 20 triệu USD. Chiến tranh Nga – Ukraine diễn ra, 4 container hàng chở đi đã bị trả về. Song đến tháng 3, tình hình giao hàng và thanh toán thông suốt trở lại.
Dựa trên cơ sở đó, lãnh đạo TNG tự tin hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh năm. Năm nay, doanh nghiệp dệt may đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận vào khoảng 280 tỷ đồng.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cũng vừa công bố tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với doanh thu chung đạt 118,6 triệu USD (khoảng 2.763 tỷ đồng) tăng 36%, lợi nhuận dự kiến tăng 40% so cùng kỳ năm 2021.
Lãnh đạo công ty cho biết tôm nuôi bị dịch bệnh, nguồn cung nguyên liệu không mạnh và duy trì giá cao suốt thời gian qua. Chi phí logistic tăng do giá dầu tăng và chuỗi cung ứng chưa tái lập hoàn thiện. Cùng với đó là lạm phát tác động tâm lý người tiêu dùng, sức cầu không tăng như dự tính. Tuy nhiên tại Sao Ta, trại tôm có kết quả nuôi khá khả quan, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm cuối cùng và tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Năm nay, Sao Ta đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 5.290 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu trong quý 1 nhưng chỉ đạt 14% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) ước tính doanh thu quý 2 khoảng 963 tỷ đồng và lãi sau thuế 174 tỷ, lần lượt tăng 114% và 77% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, HAH dự kiến tổng doanh thu 1.615 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 437 tỷ, lần lượt gấp 2 lần và gấp 2,39 lần kết quả cùng kỳ năm trước.
Như vậy, so với kế hoạch tổng doanh thu 2.387 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng thì sau 6 tháng, HAH đã lần lượt hoàn thành 67% và 79% chỉ tiêu.
Với kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1, HAH giải thích là do công ty đầu tư thêm tàu HA East và HA West vào tháng 4 và 5/2021 dẫn đến số lượng tàu năm nay nhiều hơn quý 1 năm trước. Ngoài ra, giá cước vận tải nội địa cũng tăng, giá cho thuê tàu tăng mạnh và số tàu cho thuê nhiều này cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, lợi nhuận ghi nhận của các công ty liên kết cũng tăng mạnh so với cùng kỳ.
Trong báo cáo mới nhất của SSI Research, thị trường vận tải biển toàn cầu, giá cước vận tải container bắt đầu giảm mạnh từ tháng 2 do nhu cầu suy yếu trong dịp Tết Nguyên đán, sau đó là việc các thành phố của Trung Quốc đóng cửa nghiêm ngặt theo chính sách “Zero Covid”. Tuy nhiên, đơn vị này nhận định giá cước dự kiến sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2022 và kéo dài đến năm 2023 do các yếu tố hỗ trợ ngành vận tải container vẫn còn mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET) tổ chức vào sáng 28/06, lãnh đạo công ty cho biết, sau 6 tháng đầu năm, Petrosetco đạt doanh thu 8.700-9.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận gộp ước khoảng 160 tỷ đồng, tăng trưởng 6-7% so với cùng kỳ.
Năm nay, Petrosetco đặt kế hoạch có phần thận trọng với lợi nhuận sau thuế 336 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021. Theo Chủ tịch Phùng Tuấn Hà, năm nay thị trường điện thoại và laptop tương đối khó khăn so với năm 2021. Nhiều thương hiệu đang gặp nhiều khó khăn, nhưng PET vẫn sẽ bù bằng cái khác. Kết quả 6 tháng vẫn còn tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu đặt ra kế hoạch năm 2022 như hiện tại, kết quả 6 tháng như thế vẫn chưa đạt. Chúng tôi sẽ cố gắng cân đối hiệu quả từ các hãng.
Doanh nghiệp lạc quan
Số liệu điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy doanh nghiệp nhận khá lạc quan về tình hình kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2022. Nhận định về tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2022, có 49,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 2; 35,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 15 % số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 85,5% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 2; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 84,3% và 82,4%.
Thực tế, bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp trong quý 1/2022 đã phát tín hiệu khả quan. Nhiều doanh nghiệp cũng cập nhật tình hình kinh doanh từng tháng cho thấy kết quả sẽ tăng trưởng mạnh so với năm ngoái.
Như Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.583 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm, tăng 47%; lãi sau thuế 1.066 tỷ đồng, tăng 47%. Trong khi cả năm 2021, PNJ cũng chỉ lãi hơn 1.000 tỷ đồng. Tập đoàn FPT ước tính 5 tháng đầu năm 2022 doanh thu đạt 16.227 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 3.029 tỷ đồng, tăng 25%.
Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) báo lãi 431 tỷ đồng sau 5 tháng, hoàn thành 38% chỉ tiêu cả năm. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của HAG là 120 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lỗ 2.383 tỷ đồng.
CTCP Nam Việt (Navico, mã ANV) đạt doanh thu 5 tháng đầu năm là 2.148 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 479 tỷ đồng, đạt 48% mục tiêu cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 449 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 33%.
Ngoài mảng kinh doanh chính là xuất khẩu cá tra, Nam Việt còn đầu tư vào các dự án điện mặt trời, bất động sản. Chứng khoán BIDV (BSC) dự phóng doanh thu năm 2022 của Nam Việt lần lượt đạt 4.311 tỷ đồng, tăng 23% so với kết quả năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 874 tỷ đồng, gấp 5,8 lần nếu mảng cá tra tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Hầu hết các doanh nghiệp hé lộ kết quả kinh doanh quý 2 sớm đều cho thấy con số tăng trưởng. Tuy nhiên cũng có một vài đơn vị thừa nhận lợi nhuận “đi lùi”. Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) cho biết tại ĐHĐCĐ, tổng doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 26.300 tỷ đồng, hoàn thành 50,2% kế hoạch 52.400 tỷ đồng cả năm và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận dự kiến là 805 tỷ đồng, giảm 12%, đạt 50,3% kế hoạch. Lãnh đạo BVH lý giải việc lợi nhuận đi lùi là do giá trị một số khoản đầu tư vào các quỹ giảm theo biến động giá của các cổ phiếu trên thị trường.
Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) ước doanh thu 6 tháng đầu năm khoảng 4.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Năm nay, công ty đặt kế hoạch kinh doanh hợp nhất gồm tổng doanh thu 6.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng; lần lượt giảm 15,6% và giảm 42% so với thực hiện năm trước. PV Trans có truyền thống đặt kế hoạch kinh doanh thấp và sau đó vượt kế hoạch.
Tại ĐHĐCĐ thường niên chiều 29/6, Chủ tịch Tập đoàn I.P.A (mã IPA) - doanh nhân Vũ Hiền hé lộ kết quả 6 tháng với tổng doanh thu 700 tỷ và lợi nhuận thu về khoảng 400 tỷ. Như vậy riêng quý 2, IPA ghi nhận khoảng 625 tỷ đồng doanh thu, gấp 9,7 lần cùng kỳ và 204 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 82%. Trong quý 2 năm ngoái, IPA ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến trên nghìn tỷ đồng nhờ thoái vốn khỏi Hòn Ngọc Á Châu và nhận cổ tức từ khoản đầu tư dài hạn.
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của IPA cũng khá thận trọng với tổng doanh thu 1.680 tỷ đồng, giảm 10% và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm trước. HĐQT cho biết, kế hoạch dựa trên cơ sở ước tính các khoản doanh thu và lợi nhuận dự kiến đạt được từ các hoạt động đầu tư hiện hữu và chưa tính đến trường hợp phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng vốn.