Thép SMC tiếp tục thua lỗ, nợ xấu hơn 1.300 tỷ đồng

SMC Ngành Thép
10:03 - 29/10/2023
Thép SMC có tỷ trọng tiêu thụ thép xây dựng đi vào công trình lớn.
Thép SMC có tỷ trọng tiêu thụ thép xây dựng đi vào công trình lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Với một doanh nghiệp có tỷ trọng thương mại thép xây dựng cao như SMC, tình trạng bất động sản đóng băng và công nợ chưa thu hồi được đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) đạt 3.141 tỷ doanh thu thuần, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn cộng với các chi phí khiến SMC lỗ ròng 164 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 188 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, SMC ghi nhận 10.574 tỷ doanh thu thuần, giảm 44% so với 9 tháng năm 2022; lỗ ròng 549 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 58 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 30/9 âm 206 tỷ đồng.

Theo giải trình của SMC, năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và hoạt động kinh doanh thép nói riêng. Thị trường bất động sản đóng băng, thị trường dân dụng sức mua yếu, giải ngân đầu tư công chưa thực sự tích cực trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm nên nhu cầu thép trong nước giảm sút đáng kể.

Bên cạnh đó, giá thép liên tục giảm và duy trì ở mức thấp do ảnh hưởng tiêu cực bởi nền kinh tế Trung Quốc cũng như tiêu thụ thép toàn cầu suy yếu. Trong khi đó, lạm phát, lãi suất, tỷ giá vẫn ở mức cao làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả.

Ngày 18/10 vừa qua, HĐQT SMC đã thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự, tiết giảm tất cả chi phí phát sinh nhằm để duy trì hoạt động công ty.

Là doanh nghiệp có tỷ trọng thép xây dựng cho công trình chiếm tới 40% (theo chia sẻ của lãnh đạo SMC tại ĐHĐCĐ thường niên 2023) nên hoạt động kinh doanh của SMC bị ảnh hưởng khi các công ty bất động sản gặp khó khăn. Quy mô tài sản của công ty tại ngày 30/9 là 6.765 tỷ đồng, trong đó riêng khoản phải thu ngắn hạn đã chiếm 2.046 tỷ đồng và chủ yếu là từ khách hàng.

Đáng chú ý, SMC có hơn 1.300 tỷ đồng nợ xấu (98% là nợ ngắn hạn) và phải trích lập dự phòng 273 tỷ đồng. Công ty trích lập dự phòng 125 tỷ đồng cho ba doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Novaland, gồm Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, Công ty TNHH The Forest City.

Trong đó, Delta - Valley Bình Thuận là chủ dự án NovaWorld Phan Thiết, Đà Lạt Valley là chủ đầu tư dự án Aqua Waterfront City và The Forest City là chủ đầu tư dự án NovaWorld Hồ Tràm - The Tropicana.

SMC bắt đầu tăng mạnh trích lập nợ phải thu khó đòi nhóm Novaland từ cuối quý 2/2023. Thời điểm đầu năm và cuối quý 2, khoản trích lập này chỉ hơn 50 tỷ đồng.

Với các tài sản đáng kể khác, khoản mục hàng tồn kho cuối kỳ ghi nhận 1.281 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối quý 2; và đang phải trích lập dự phòng 25 tỷ đồng. Tiền, tiền gửi ngân hàng còn hơn 900 tỷ đồng, giảm 39% sau một quý.

Tổng nợ đi vay của công ty tại ngày 30/9/2023 là 2.712 tỷ đồng, giảm 17% so với cuối quý 2. Khoản nợ vay chiếm 40% nguồn vốn và gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu.

9 tháng đầu năm, SMC vay tổng cộng 6.718 tỷ đồng, đồng thời trả nợ 7.900 tỷ đồng. Chi phí lãi vay ba quý đầu năm là 220 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Tin liên quan

Đọc tiếp