Ảnh minh họa |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu thị trường, giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu đều đi xuống, lạm phát tăng, cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ khiến xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023.
Điểm tích cực trong bức tranh u ám này là việc xuất khẩu trong các tháng gần đây đã ghi nhận tín hiệu phục hồi. Riêng tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ giảm 21% (đạt 328 triệu USD), mức giảm này ghi nhận thấp hơn so với các tháng trước đó (tháng 3, 4 và 5 khi giảm từ 28 – 35%).
Về thị trường, tại Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường này đều có kim ngạch xuất khẩu tôm tháng sau cao hơn tháng trước và mức sụt giảm trong từng tháng cũng nhẹ dần. Chính vì vậy, VASEP cho rằng, Mỹ và Trung Quốc được coi là “tia hy vọng” cho xuất khẩu tôm nửa cuối năm nay.
6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 299 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 6, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 71 triệu USD, là giá trị cao nhất kể từ đầu năm tới nay; so với cùng kỳ năm 2022 kim ngạch xuất khẩu giảm 23%, là mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc nửa đầu năm nay đạt 239 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Tháng 6 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2023 xuất khẩu tôm sang thị trường này ghi nhận tăng về trị giá với +19%, đạt 59 triệu USD.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng tôm nhập khẩu của nước này trong tháng 5 tăng mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 100.310 tấn.
Tại thị trường EU, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tôm đạt 193 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ. Từ đầu tháng 3 đến nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đều ghi nhận giảm trên 40% (từ 41-56%) và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chiến tranh Nga - Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EURO mất giá là những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này chậm. Người dân chọn thực phẩm giá rẻ, tôm cỡ nhỏ hơn, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào, cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ.
Trên thị trường EU, tôm Việt Nam cạnh tranh mạnh với Ecuador do nguồn cung nguyên liệu của Ecuador dồi dào (hàng tháng thu hoạch khoảng trăm nghìn tấn) với giá tốt. Tôm Ecuador chiếm lĩnh thị trường EU ở khúc thị phần sản phẩm chế biến trung bình và khá. Trên thị trường này, tôm Việt Nam chỉ giữ được ưu thế ở phân khúc cao cấp.
Tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam xuất khẩu tôm đạt 236 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Tôm Việt đang phải cạnh tranh “khốc liệt” với tôm Ấn Độ và Ecuador trên thị trường này. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 4 tháng đầu năm nay, trong khi nhập khẩu từ nguồn cung lớn nhất là Việt Nam giảm thì Nhật Bản lại tăng mạnh nhập khẩu từ Ấn Độ và Ecuador với + 44% và +49%.
Mặt khác, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản những tháng đầu năm nay còn gặp khó khăn do đồng yên sụt giá mạnh. Đến đầu tháng 7/2023, đồng yên đã giảm quá mạnh, trên 145 yên cho mỗi USD, khiến việc tiêu thụ tôm vào thị trường này gặp khó khăn vì giá bán phải giảm theo đà giảm của đồng yên.
Tại Hàn Quốc, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 166 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ.
Lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm, tồn kho nhiều là những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm. Nửa đầu năm nay, giá trị tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc không có sự biến động tăng giảm nhiều như các thị trường khác (Mỹ, Trung Quốc..)