Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Belarus, kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp đã có giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, phát triển tốt đẹp về nhiều mặt, duy trì thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp.
Belarus có diện tích khoảng 207.600km2, nằm ở phía đông châu Âu, tiếp giáp với các nước Nga, Ukraine, Ba Lan, Latvia và Litva. Ngày 27/12/1991, Việt Nam công nhận độc lập của Belarus và hai bên ký Nghị định thư thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24/1/1992.
Về kinh tế, Việt Nam và Belarus có nhiều thế mạnh bổ sung cho nhau. Việt Nam xuất sang Belarus thủy, hải sản, cao su tự nhiên, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính...
Việt Nam cũng nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa, phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, máy kéo, ô tô tải, hóa chất... từ Belarus. Kim ngạch thương mại song phương 9 tháng năm 2023 đạt 46,42 triệu USD.
Về đầu tư, hiện Belarus có 3 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 32,2 triệu USD. Việt Nam có 1 dự án đầu tư sang Belarus với tổng vốn đầu tư là 810.000 USD.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Belarus đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước được duy trì và phát triển, các tổ chức khoa học và công nghệ hai nước hợp tác chặt chẽ, nhiều dự án đã được triển khai và có kết quả tốt.
Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế khác.
Belarus ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2016 - 2018, Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017 - 2021 và 2023 - 2027, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022 - 2026, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Hội đồng Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế nhiệm kỳ 2023 - 2025…