Tiêu thụ thịt lợn được dự báo vẫn ở mức thấp trong quý 1/2023

Thịt lợn Việt nAM
14:35 - 13/03/2023
Giá tiêu thụ thịt lợn dự kiến vẫn ở mức thấp trong quý 1/2023. Ảnh: VGP.
Giá tiêu thụ thịt lợn dự kiến vẫn ở mức thấp trong quý 1/2023. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Các cơ quan dự báo cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và tình hình nhập khẩu không ổn định của thị trường thế giới sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn không tăng cao trong quý 1/2023.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7 - 7,5 triệu tấn, tăng từ 5 – 5,5% so với năm 2022, trong đó, riêng sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê ước tính, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 2/2023 tăng 8,6% so với cùng thời điểm năm 2022. Nguồn cung dồi dào khiến giá lợn hơi giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục nên chi phí sản xuất tăng tạo áp lực đối với người chăn nuôi lợn.

Còn Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, trong quý 1/2023, mức tiêu thụ thịt lợn nhiều khả năng ở mức thấp theo thông lệ hàng năm và giá lợn cũng ở mức thấp.

Năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm khi thu nhập thực tế tăng nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của Chính phủ và lượng khách du lịch quốc tế (dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý 2/2023 và 100% trong quý 4/2023), kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp một số khó khăn như căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ukraine, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên Biển Đen có thể gây áp lực tăng giá ngũ cốc toàn cầu.

Bên cạnh đó, do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỷ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng.

Ngoài ra, dịch tả lợn châu phi có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong năm nay. Trong bối cảnh vaccine chưa cho kết quả tích cực cụ thể, dịch tả lợn châu phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung.

Giao dịch thịt lợn toàn cầu tăng khiêm tốn trong quý 1

Trên thị trường thế giới, Báo cáo “Ngành thịt lợn toàn cầu quý 1/2023” của Rabobank cũng đưa ra nhận định, giao dịch thịt lợn sẽ tăng khiêm tốn trong quý đầu tiên, chủ yếu do nền tảng thấp từ năm ngoái. Tuy nhiên, tăng trưởng có thể khó duy trì suốt năm 2023 do sản xuất chậm lại ở các khu vực xuất khẩu chính, chủ yếu là EU và Hoa Kỳ.

Ngược lại, Brazil, quốc gia tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu vào năm 2022, dự kiến sẽ tăng sản xuất và xuất khẩu trong năm nay. Sự phục hồi/tăng trưởng hơn nữa trong sản xuất nội địa ở Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc nhu cầu nhập khẩu giảm bớt, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2023.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại được Rabobank đánh giá là cơ hội nhưng cũng tạo ra những bất ổn, vì Trung Quốc là thị trường thịt lợn lớn nhất toàn cầu. Việc mở cửa trở lại của nước này sẽ tác động đến cân bằng cung - cầu toàn cầu.

Tuy nhiên, Rabobank không chắc chắn về thời điểm phục hồi nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc. Rabobank cho rằng nhu cầu sẽ phát triển không đồng đều do làn sóng Covid-19 đang diễn ra, những khó khăn về kinh tế vĩ mô và niềm tin kinh doanh yếu.

Cục Xuất nhập khẩu của Việt Nam dự kiến, năm 2023, tiêu thụ thịt của Trung Quốc sẽ tăng trở lại sau khi nước này chính thức mở cửa sau 3 năm áp dụng chính sách Zero-Covid. Mặc dù cũng đưa ra nhận định, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc tăng trở lại vào cuối quý 1/2023, nhưng Rabobank lại dự kiến giá thịt lợn tại Trung Quốc lao dốc do biến động ngắn hạn, cung vượt cầu và nhu cầu yếu do số ca nhiễm Covid-19 cao.

Giá thịt lợn Việt Nam cao thứ 2 thế giới

Theo thống kê từ Tập đoàn Genesus (đơn vị lớn Top 3 trên thế giới về nghiên cứu và sản xuất đàn giống chất lượng cao), tính tới ngày 15/2, giá lợn hơi tại Philippines vẫn ở vị trí dẫn đầu, đạt gần 76.750 đồng/kg. Giá lợn trung bình tại Việt Nam vượt qua Trung Quốc để giữ vị trí thứ hai, đạt 53.000 đồng/kg trong khi Mexico leo lên vị trí thứ 3 với mức giá hơn 51.200 đồng.

Tính đến ngày 13/3, thống kê của Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) ghi nhận, giá lợn hơi đang được ở mức đi ngang ngày đầu tuần.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay không ghi nhận sự biến động mới và dao động trong khoảng 46.000 - 49.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá cao nhất khu vực 49.000 đồng/kg được ghi nhận tại các địa phương bao gồm Hưng Yên, Thái Nguyên và Hà Nội.

Ở chiều ngược lại, mức giá thấp nhất khu vực 46.000 đồng/kg được ghi nhận tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Các địa phương còn lại duy trì thu mua lợn hơi với giá trong khoảng 47.000 - 48.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 47.000 - 51.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại hai tỉnh Bình Định và Lâm Đồng. Tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh thương lái vẫn đang thu mua lợn hơi với giá 47.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực, giá lợn hơi ghi nhận trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg. Trong đó, 49.000 đồng/kg là mức giá thấp nhất khu vực được ghi nhận tại hai tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh.

Ở chiều ngược lại, TP HCM, Cà Mau, Bạc Liêu ghi nhận mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 52.000 đồng/kg. Các địa phương bao gồm Vũng Tàu, Long An và Bến Tre duy trì thu mua lợn hơi với giá 50.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành còn lại tiếp tục thu mua lợn hơi với giá trong khoảng 51.000 đồng/kg.

Tin liên quan

Đọc tiếp