Theo UBND tỉnh Bình Phước, kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 5,12 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,14 tỷ USD, tăng 9,53% so với cùng kỳ năm 2021, nhập khẩu đạt 1,98 tỷ USD, tăng 4,08%.
Với kết quả trên, Bình Phước tiếp tục ghi nhận xuất siêu trong tháng 9. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, Bình Phước xuất siêu 1,16 tỷ USD.
So với kế hoạch năm đề ra, 9 tháng đầu năm, Bình Phước đã hoàn thành 81,6% về xuất khẩu và 81,75% về nhập khẩu.
Riêng đối với sản phẩm chính của tỉnh là hạt điều, niên vụ 2021 – 2022, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Bình Phước ước đạt 1 tỷ USD, tương ứng chiếm khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện Bình Phước được xem là “thủ phủ điều” của cả nước, chiếm 50% diện tích và hơn 50% sản lượng điều Việt Nam.
Ngoài xuất khẩu tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh Bình Phước cũng tăng 9,01% trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 9,01%.
Thu ngân sách của tỉnh 9 tháng đầu năm 2022 đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, thu ngân sách của tỉnh đã đạt 94,5% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 81% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. So với cùng kỳ năm 2021, thu ngân sách của tỉnh đã tăng 27,5%. Tổng chi ngân sách của tỉnh đạt 10.053 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bình Phước có 905 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 11,5% so với cùng kỳ và 272 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tỉnh cũng thu hút được 30 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn hơn 107 triệu USD…
Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Phước cuối tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Bình Phước từ một tỉnh xuất phát điểm thấp với 75% làm nông nghiệp, tỉnh đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, từ công nghiệp đến thu hút đầu tư.
Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn ít, chưa chủ động được thu – chi ngân sách, chuyển dịch lao động chưa tương xứng với chuyển dịch kinh tế. Chính vì vậy, Bình Phước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Về phía tỉnh, Bình Phước đang từng bước chuyển từ vị trí “dự trữ phát triển” thành một động lực phát triển trong vùng Đông Nam Bộ với 6 nhóm giải pháp lớn như tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực…
Riêng về vốn đầu tư, tỉnh đặt mục tiêu đạt 210.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, khu vực FDI đạt khoảng 50.000 tỷ đồng, khu vực tư nhân khoảng 120.000 tỷ đồng