Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một sự kiện ở St. Petersburg năm 2018. Ảnh: Getty Images |
Tổng thống Pháp Macron đã đưa ra thông báo trên trong cuộc phỏng vấn truyền hình với kênh France 5, khi ông trao đổi với các phóng viên về các sự kiện lớn sẽ được nước này tổ chức vào năm tới, bao gồm lễ kỷ niệm 80 năm ngày quân đồng minh đổ bộ vào Normandy (1944-2024).
Tuy nhiên, ông Macron nhấn mạnh điều kiện rằng: “Chỉ khi ông ấy [Tổng thống Nga Vladimir Putin] tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình và thay đổi tình hình với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky”.
Điện Kremlin chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Tổng thống Pháp.
Trong cuộc họp báo vào cuối tuần trước, Tổng thống Macron nói với các phóng viên rằng cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến mối quan hệ giữa Paris và Moscow “gần như không thể”. Tuyên bố này nhằm đáp lại bình luận của Tổng thống Nga Putin hôm 14/12 rằng Nga có “mối quan hệ làm việc khá tốt” với Pháp, nhưng ông Macron đã cắt đứt mối quan hệ đó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Moscow, Nga ngày 7/2/2022. Ảnh: Sputnik |
Tổng thống Macron cũng khẳng định sẽ sẵn lòng nhận cuộc gọi từ Tổng thống Putin, nếu nhà lãnh đạo Nga đồng ý với một nền hòa bình “tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích và chủ quyền của Ukraine”. “Tôi chưa thay số điện thoại của mình”, ông Macron nói.
Theo TASS, lần gần đây nhất Tổng thống Nga Putin tham dự các sự kiện kỷ niệm ngày quân đồng minh đổ bộ vào Normandy (Pháp) trong Thế chiến II là cách đây 10 năm, vào năm 2014. Sự kiện này khi đó còn có sự tham dự của Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tổng thống Pháp khi đó là Francois Hollande đã cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel tổ chức cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức vào ngày 6/6/2014 tại Chateau de Benouville (Pháp), khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra.
Tuy nhiên, Điện Elysee đã không gửi lời mời ông Putin tham dự sự kiện 75 năm cuộc đổ bộ D-Day vào năm 2019, và không có lời giải thích cho động thái này.
Khi được yêu cầu bình luận về việc này vào thời điểm đó, Tổng thống Nga Putin đã gạt đi và chỉ nói rằng ông khá bận. Ông nói rằng: “Nếu chúng ta đang tưởng tượng ra các thuyết âm mưu, có thể các nhà lãnh đạo phương Tây muốn có cuộc trò chuyện riêng trước khi liên lạc với chúng tôi. Điều đó không thực sự quan trọng. Điều quan trọng là sự thật về lịch sử và về thảm kịch khủng khiếp đã xảy ra với nhân loại trong Thế chiến II”.
Cuộc đổ bộ lịch sử D-Day ở Normandy (Pháp) của quân Mỹ, Anh, Canada và các đồng minh khác diễn ra vào ngày 6/6/1944. Đây là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch giải phóng nước Pháp khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã. Hai tuần sau, Liên Xô đã phát động Chiến dịch Bagration ở mặt trận phía đông, gây thất bại mang tính quyết định cho tập đoàn quân Trung tâm thuộc quân đội Đức Quốc xã.