Nhóm Big4 ngân hàng bao gồm BIDV, Vietcombank và Vietinbank (Agribank không công bố báo cáo quý) vẫn xếp đầu bảng với tổng tài sản đạt hơn 5,77 triệu tỷ đồng, tăng 0,6% so với cuối năm 2022 và chiếm tới 44,89% tổng tài sản của các nhà băng thương mại tại Việt Nam.
Mặc dù xếp hạng đầu với quy mô tài sản hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tuy nhiên về tăng trưởng BIDV đã giảm 0,65% so với năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 74% tổng tài sản, đóng góp gần 75 nghìn tỷ đồng vào việc mở rộng quy mô bảng cân đối kế toán.
Ở chiều ngược lại, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác và tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước lại là 2 chỉ tiêu kéo tăng trưởng tổng tài sản của BIDV giảm nhiều nhất, mức giảm tổng cộng 84.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Đứng thứ 2 là Vietcombank với khối tài sản hơn 1,84 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm với cho vay khách hàng, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác và tiền gửi tại NHNN tăng gần 96.824 tỷ đồng trong quý 1/2023.
Vietinbank đứng thứ 3 với hơn 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 0,86% so với cuối năm 2022. Trong đó đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng tài sản là khoản cho vay khách hàng (tăng hơn 58.000 tỷ đồng và chứng khoán đầu tư tăng gần 20.200 tỷ đồng.
Xếp thứ 4 và cũng đứng đầu khối tư nhân là MB với tổng tài sản đạt hơn 761.000 tỷ đồng, tăng 4,42% so với đầu năm. Quy mô tài sản được mở rộng nhờ cho vay khách hàng đạt hơn 20.800 tỷ đồng và chứng khoán đầu tư tăng hơn 33.150 tỷ đồng.
Theo sau là Techcombank với quy mô tài sản gần 724.000 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm. Cho vay khách hàng cũng là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 64 % tổng tài sản và là động lực chính thúc đẩy tài sản của nhà băng này tăng lên, đóng góp gần 45.000 tỷ đồng.
Mặc dù đứng thứ 5 là VPBank với tổng tài sản hơn 678.000 tỷ đồng, nhưng nhà băng này lại có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2 trong top 10 với 7,4%. Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng cũng như tăng trưởng cho vay khách hàng đang là động lực chính thúc đẩy tài sản VPBank mở rộng.
Bốn ngân hàng còn lại nằm trong top bao gồm ACB đạt 611.000 tỷ đồng; Sacombank 597.000 tỷ đồng, SHB đạt hơn 570.000 tỷ đồng và cuối cùng là HDBank đạt gần 459.000 tỷ đồng, tăng 10,2% - ngân hàng duy nhất tăng trưởng tài sản trên 10% trong top 10.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng ghi nhận sụt giảm về tài sản có thể kể đến như: NCB, PG Bank, Saigonbank, BaoVietBank, Bản Việt, Vietbank, Eximbank.