Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, tính đến hết ngày 30/9/2023, tổng tài sản của 28 ngân hàng (không bao gồm Agribank) đạt gần 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với cuối năm ngoái.
Trong đó, có 24 nhà băng ghi nhận tăng trưởng về tổng tài sản, đa số đều tăng trưởng nhẹ dao động trung bình từ 5% đến 15%, một số ngân hàng "đi ngược" số đông là Viecombank, GP Bank và Kienlongbank khi tổng tài sản thu hẹp so với hồi đầu năm.
Xét về số dư tuyệt đối, BIDV tiếp tục duy trì vị trí quán quân về tổng tài sản với 2,13 triệu tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm, chủ yếu do tăng mạnh từ cho vay khách hàng lên 1,65 triệu tỷ đồng, tăng 9%.
Vị trí thứ hai thuộc về Vietinbank với gần 1,89 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 4,4% với tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng mạnh nhất với 76% so với đầu năm, lên 247.168 tỷ đồng. Khoản cho vay khách hàng cũng ghi nhận tăng 8,7% đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng.
Sau 9 tháng 2023, mặc dù tổng tài sản tại Vietcombank thu hẹp 4,5% so với hồi đầu năm, còn hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên "ông lớn" còn lại của ngành ngân hàng vẫn duy trì vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng về tổng tài sản ngân hàng với khoản cho vay khách hàng cũng tăng 4% lên gần 1,19 triệu tỷ đồng.
Xếp thứ 4 thuộc về ngân hàng MB với quy mô tổng tài sản đạt 816.000 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 45% còn 21.634 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 16% lên 536.031 tỷ đồng.
Theo sau là Techcombank với quy mô tài sản gần 781.279 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Đáng chú ý khoản chứng khoán kinh doanh tăng từ 961 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 5.130 tỷ đồng; tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước cũng tăng mạnh 139%, đóng góp 27.428 tỷ đồng cho ngân hàng này.
VPBank giữ vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng nhưng là ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tổng tài sản cao nhất lên 23,6% chỉ trong 9 tháng, thêm gần 150.000 tỷ đồng. Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng cũng như tăng trưởng cho vay khách hàng đang là động lực chính thúc đẩy tài sản VPBank mở rộng.
Bốn ngân hàng còn lại nằm trong top bao gồm ACB đạt 648.510 tỷ đồng; Sacombank 651.288 tỷ đồng, SHB đạt hơn 595.698 tỷ đồng và cuối cùng là HDBank đạt gần 508.263 tỷ đồng, tăng 10,2% - ngân hàng tăng trưởng tài sản cao thứ hai toàn ngành ngân hàng sau 9 tháng đầu năm.
Sacombank và ACB là 2 ngân hàng duy nhất thay đổi thứ tự về tổng tài sản so với cùng kỳ 9 tháng năm ngoái. Tuy nhiên so với quý 2/2023, trật tự top 10 không có sự thay đổi.