TP HCM: Chính thức khai trương tuyến xe buýt kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất. Nguồn: Futa Bus Lines. |
Phát biểu tại lễ khai trương, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nơi đây phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đến các tỉnh, thành trong cả nước và các nước trên thế giới.
Mỗi ngày, sân bay có 700 - 750 chuyến bay, với lượng khách vượt 100.000 khách/ngày, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cảng vào các thời gian cao điểm. Dù lượng khách lớn, nhưng hiện chỉ có 2 tuyến buýt ra vào sân bay là tuyến số 152 (khu dân cư Trung Sơn - sân bay Tân Sơn Nhất) và tuyến 721 (sân bay Tân Sơn Nhất - bến xe Vũng Tàu) nên chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại.
Buổi lễ khai trương tuyến xe buýt 109, bến xe buýt Sài Gòn – sân bay Tân Sân Nhất. Nguồn: Futa Bus Lines. |
Trước thực tế đó, trung tâm cùng các đơn vị đã phối hợp tái khởi động tuyến buýt 109 không trợ giá sau thời gian dài tạm ngưng do dịch.
Ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc hãng xe Phương Trang cho biết, việc thêm tuyến xe buýt 109 nhằm khuyến khích thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân, hạn chế phương tiện giao thông, nâng cao tỷ lệ tham gia phương tiện công cộng, đồng thời, góp phần cải thiện giao thông ở TP HCM, đặc biệt giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuyến xe buýt 109 sẽ hoạt động từ 5h5 - 23h40 mỗi ngày. Trong thời gian cao điểm, cứ 20 phút sẽ có một chuyến, bắt đầu từ ngày 13/9/2022.
Giá vé của tuyến xe buýt 109 là 8.000 đồng cho 1/2 cự ly tuyến và 15.000 đồng/vé toàn tuyến. Việc đưa vào khai thác, vận hành tuyến xe buýt không trợ giá 109 nhằm khuyến khích thói quan sử dụng phương tiện công cộng của người dân, hạn chế phương tiện cá nhân, nâng cao tỉ lệ hành khách tham gia giao thông.
Cự ly tuyến bình quân tuyến là 9,43 km với 110 chuyến/ ngày. Thời gian hoạt động từ 5 giờ 45 phút đến 23 giờ 45 phút; thời gian giãn cách mỗi tuyến 20 phút. Toàn bộ xe buýt đều được doanh nghiệp đầu tư mới 100% với 14 chỗ ngồi, 6 chỗ đứng, có cửa lên xuống tự động, lắp đặt camera trên xe, thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn GPS.
Với xe buýt 109, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có tổng cộng 3 tuyến xe buýt kết nối vào sân bay. Trước đó, sân bay có hai tuyến xe buýt kết nối gồm 152 (Khu dân cư Trung Sơn - Sân bay Tân Sơn Nhất) và 721 (Sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu). Tuy nhiên, 3 tuyến buýt cho một sân bay lớn nhất nhì cả nước vẫn là một con số ít ỏi.
Do đó, về việc bổ sung thêm nhiều tuyến xe buýt hoạt động đưa đón khách tại sân bay Tân Sân Nhất, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM Võ Khánh Hưng cho biết, trong thời gian qua, Sở GTVT TP HCM không ngừng tính toán, nghiên cứu nhằm phục vụ cho người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục để nghiên cứu đưa thêm các tuyến xe buýt vào, kể cả tuyến xe buýt vòng. Tức là sẽ có xe buýt vào đón hành khách tại sân bay và vận chuyển ra khỏi khu vực sân bay, dừng ở một số trạm xung quanh…. Hành khách có thể tiếp tục đi bằng phương tiện khác, hoặc tuyến xe buýt khác để đi về điểm mong muốn”, ông Võ Khánh Hưng nói.
Tới đây, Sở GTVT TP HCM sẽ phối hợp với các ban ngành để đưa ra nhiều tuyến xe buýt phục vụ người dân và dẹp bỏ những vấn đề còn tồn đọng ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Lộ trình tuyến xe buýt 109, bến xe buýt Sài Gòn – sân bay Tân Sân Nhất:
Lượt đi: Bến xe buýt Sài Gòn - Đường Phạm Ngũ Lão - Đường Yersin - Đường Trần Hưng Đạo - Đường Hàm Nghi - Đường Pasteur - Đường Võ Thị Sáu - Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Đường Nguyễn Văn Trỗi - Đường Phan Đình Giót - Đường Trường Sơn - Cầu vượt - Sân bay Tân Sơn Nhất (ga quốc tế).
Lượt về: Sân bay Tân Sơn Nhất (ga quốc tế) - điểm đón khách tại làn B ga quốc nội - Sân bay Tân Sơn Nhất (ga quốc nội) - Đường Trường Sơn - Đường Trần Quốc Hoàn - Đường Hoàng Văn Thụ - Đường Nguyễn Văn Trỗi - Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Đường Hàm Nghi - Đường Lê Lai - Bến xe buýt Sài Gòn.