Ô tô xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
Hãng tin AFP trích dẫn người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong trong khuôn khổ buổi họp báo ngày 13/6 cho biết động thái của EU là “thiếu cơ sở thực tế và pháp lý”. Ông cáo buộc rằng: “Hành động này không chỉ gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc mà còn có khả năng làm biến dạng chuỗi sản xuất và cung ứng ô tô trên toàn thế giới, bao gồm cả ở EU”.
Theo ông, “các hành động của phía châu Âu bị nghi ngờ vi phạm các quy định của WTO và là hành vi bảo hộ trắng trợn”. Do đó, ông khẳng định Bắc Kinh hoàn toàn “có quyền đệ đơn kiện lên WTO và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty Trung Quốc”.
Về phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Lin Jian cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng: "Chúng tôi kêu gọi EU lắng nghe cẩn thận những tiếng nói khách quan và hợp lý từ mọi tầng lớp xã hội, ngay lập tức sửa chữa những hành vi sai trái của mình, ngừng chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại, đồng thời xử lý đúng đắn các xung đột kinh tế và thương mại thông qua đối thoại và tham vấn”.
Trước đó ngày 12/6, EU đưa ra cảnh báo sẽ áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 38% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất tăng thuế tạm thời 17,4% đối với BYD, 20% đối với Geely và 38,1% đối với SAIC. Về phần nguyên nhân cho sự khác biệt, các nhà lãnh đạo EU cho biết số thuế phụ thuộc vào mức trợ cấp nhà nước mà các công ty nhận được.
Mức thuế quan trên sẽ được áp dụng tạm thời từ ngày 4/7 và sau đó chính thức áp dụng từ tháng 11 tới trừ khi 15 quốc gia đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối bỏ phiếu chống lại động thái này. Ngoài EU, Mỹ cũng đã có động thái nâng mức thuế đối với ô tô điện của Trung Quốc lên tới 100% từ tháng 5 trước đó.
Động thái nâng thuế của EU xuất phát từ cáo buộc “trợ cấp không công bằng” của chính phủ Trung Quốc cho ngành xe điện – hành động được khối này cho rằng “đang gây ra mối đe dọa thiệt hại kinh tế” cho các nhà sản xuất ô tô điện của mình, đặc biệt là khi ngành công nghiệp ô tô đang dần chuyển đối xanh.
EU muốn ngăn chặn những gì họ cho là hành vi không công bằng làm giảm giá thành của các nhà sản xuất ô tô châu Âu vốn phải đối mặt với thời hạn năm 2035 để loại bỏ dần doanh số bán ô tô động cơ đốt trong mới.
Bộ thương mại Trung Quốc không đưa ra thêm thông tin cụ thể nào liên quan tới các biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, các hãng truyền thông nước này trước đây đã từng đưa tin rằng Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu vào hàng xuất khẩu của EU, bao gồm thịt lợn và các sản phẩm từ sữa. Hồi tháng 1/2024, chính phủ Trung Quốc đã phát động một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm rượu mạnh nhập khẩu từ EU.