Ngày 16/5, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo ‘‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Thương mại điện tử và Logistics hiện đại, bền vững’’.
Thông tin tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, năm 2023 là một năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Tuy nhiên, kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023 đã thể hiện sự kịp thời, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta năm 2023 đạt 681,1 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Cũng theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước.
"Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu".
Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.
Kết quả, Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14 - 16%/năm với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao.
“Để đạt được kết quả này, không thể không kể đến vai trò của thương mại điện tử - là một ngành có tác động tương hỗ với ngành dịch vụ logistics, góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam,” ông Trần Thanh Hải đánh giá.
Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á, với khoảng 43,9 triệu người, do vậy, dịch vụ logistics đáp ứng cho nhu cầu ngành thương mại điện tử luôn là cần thiết. Cùng với xu hướng chuyển đổi số, thay đổi hành vi mua sắm và các yếu tố tác động khác đang đưa thương mại điện tử thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh chuyển đổi số để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.
Việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, theo đó tối ưu hiệu quả của các hoạt động của hai ngành này, từ đó góp phần giảm chi phí logistics nói chung cho toàn bộ nền kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu trọng yếu của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với Việt Nam khi mà chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường nhờ việc tối ưu lộ trình vận chuyển cũng như quản trị tốt việc giao hàng dựa trên các ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Những lợi ích này không chỉ mang lại giá trị cho từng doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế và chất lượng dịch vụ mà còn tác động chung đến toàn ngành logistics và thương mại điện tử, cũng như phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững của đất nước.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã đối thoại, chia sẻ về những chủ đề như: giải pháp phát triển bền vững ngành logistics và thương mại điện tử; xu hướng phát triển logistics và thương mại điện tử xanh,...
Các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận. |
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp cao, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng ngành thương mại điện tử và logistics như “hai chị em”, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và phần lớn thương mại điện tử phụ thuộc vào logistics.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, hiện nay chiến lược chuyển đổi số quốc gia chỉ tập trung vào tăng trưởng mà không hề tập trung vào bảo vệ môi trường, mặc dù kinh tế xanh hay phát triển bền vững là xu hướng mà không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều hướng tới. Trong năm 2024, ông mong muốn các cơ quan liên quan nghiên cứu trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử nên có thêm việc bảo vệ môi trường.
Bàn thêm về vấn đề này, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) cho rằng, mấu chốt đầu tiên đối với phát triển thương mại điện tử bền vững cũng như phát triển bền vững nói chung phải đến từ nhận thức.
"Sự chuyển đổi nhận thức từ cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể hơn là phải có được khuôn khổ chính sách pháp luật đồng bộ, phù hợp, thì mới điều chỉnh hành vi kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hành vi tiêu dùng," bà Việt Anh nhận định.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao. Cuối cùng, theo bà Việt Anh, việc xây dựng một hệ sinh thái bền vững, chính sách pháp luật và tăng cường liên kết vùng để giảm thiểu sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng là điều cần thiết.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, xu hướng của ngành logistics hiện đại là hướng tới tự động hoá, cắt giảm chi phí và tiết kiệm năng lượng.
Ông Trung cũng nhấn mạnh, việc chuyển đổi số đang được thực hiện mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp như VNPT, Mobiphone và những nỗ lực này luôn nhận được sự ủng hộ vì phù hợp với mong muốn của hiệp hội trong việc tận dụng nguồn lực trong nước.
"Các công ty Việt Nam có lợi thế trong việc đổi mới sáng tạo, đồng lòng với tác nghiệp và có giá thành cạnh tranh. Các cảng biển Việt Nam hiện tại đang hướng tới mô hình cảng thông minh, áp dụng các công nghệ tự động hiện đại.
Tuy nhiên, vẫn còn thách thức khi các sản phẩm buộc phải sử dụng công nghệ nước ngoài. Việc thiết kế giao diện cần ưu tiên sử dụng công nghệ trong nước. Các đơn vị khác cần hợp tác với các doanh nghiệp tổng công ty hàng hải để giải quyết các vấn đề kỹ thuật và thực hành thực tiễn," ông Trung nêu ý kiến.