Vai trò cộng đồng chiếm số điểm cao nhất trong quy định mới về OCOP

OCOP Địa phương
08:28 - 09/03/2023
Sản phẩm OCOP đề cao vai trò cộng đồng.
Sản phẩm OCOP đề cao vai trò cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Quy định mới về đánh giá các sản phẩm OCOP được điều chỉnh theo hướng nâng cao điểm số của tiêu chí vai trò và sức mạnh của cộng đồng, nhằm tăng tính liên kết và sử dụng nguyên liệu, lao động địa phương.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương vừa tổ chức Hội nghị ngày 8/3, thông tin về bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) cho biết, vẫn giữ nguyên cấu trúc các nội dung đánh giá sản phẩm OCOP của bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 3 phần (sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm).

Tuy nhiên, điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 phần thành 40-25-35. Cụ thể, sản phẩm và sức mạnh cộng đồng chiếm 40 điểm; khả năng tiếp thị 25 điểm và chất lượng sản phẩm 35 điểm (cơ cấu theo quyết định cũ là 35-25-40).

Về nội hàm nội dung của các tiêu chí, đối với sản phẩm tươi sống thì tiêu chí thể hiện là nguồn gốc sản phẩm (thay vì nguyên liệu). Liên kết chuỗi sản xuất được quy định theo khối lượng đầu vào/nguyên liệu đầu vào. Làm rõ yêu cầu về nguồn gốc, ý tưởng sản phẩm theo hướng đặc trưng, nổi trội, bản sắc, trí tuệ địa phương; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn hàng hóa.

Điều chỉnh cơ cấu điểm của các chỉ tiêu theo hướng nâng cao điểm số đánh giá về vai trò và sức mạnh của cộng đồng như: Sử dụng nguyên liệu địa phương (tăng từ 3 lên 5 điểm); liên kết sản xuất (tăng từ 2 lên 3 điểm); sử dụng lao động địa phương (tăng từ 1 lên 3 điểm).

Nâng cao điểm số đánh giá thể hiện về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nâng cao giá trị văn hóa, câu chuyện sản phẩm, bao bì sản phẩm trong bộ tiêu chí. Cụ thể, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm (tăng từ 3 lên 5 điểm); trí tuệ/bản sắc địa phương (tăng từ 3 lên 5 điểm); phong cách, ghi nhãn hàng hóa (tăng từ 2 lên 3 điểm).

Căn cứ 6 nhóm sản phẩm OCOP tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP được xây dựng theo hướng: Cơ bản giữ 26 bộ sản phẩm như Quyết định số 1048/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, thay đổi các bộ sản phẩm. Cụ thể, bổ sung thêm 3 bộ sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm sinh vật cảnh gồm hoa, cây cảnh và động vật cảnh; gộp nhóm sản phẩm về sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí thành bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ; bổ sung một số sản phẩm chưa được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg vào bộ sản phẩm như mật ong, tinh dầu.

Về bổ sung một số chỉ tiêu mới, bổ sung một số tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP; khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số (sở hữu trí tuệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm, điểm khuyến khích cho chủ thể là nữ/đồng bào dân tộc thiểu số).

Về yêu cầu bắt buộc đối với một số tiêu chí theo mức phân hạng sao, bộ tiêu chí OCOP đã lồng ghép các yêu cầu được quy định tại Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 18/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các yêu cầu tối thiểu cần đạt trong các bộ tiêu chí chấm điểm.

Ví dụ, yêu cầu sản phẩm có nguồn gốc/nguyên liệu địa phương; năng lực và hợp đồng liên kết sản xuất; sử dụng lao động địa phương; yêu cầu về bản sắc, trí tuệ địa phương của sản phẩm; yêu cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ; công bố tiêu chuẩn chất lượng.

Điều chỉnh nhằm đáp ứng đúng mục tiêu đề ra của OCOP

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đến ngày 31/12/2022, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai áp dụng bộ tiêu chí để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Trong đó, có 8.689 sản phẩm OCOP (65,5% sản phẩm 3 sao; 33,6% sản phẩm 4 sao; 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao) của 4.479 chủ thể OCOP được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên.

Tuy nhiên, ông Đào Đức Huấn cho biết, trong quá trình triển khai, Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018 -2020 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP chưa bao hàm đầy đủ các sản phẩm theo 6 nhóm (theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ), một số sản phẩm chưa được đưa vào phân nhóm và có phiếu đánh giá như: tổ yến, các sản phẩm từ tổ yến, tinh dầu.

Bên cạnh đó, một số tiêu chí chưa phản ánh đầy đủ những vấn đề cần quan tâm, đề cập gắn với định hướng, tiếp cận của sản phẩm OCOP. Một số hạn chế gây khó thực hiện trong quá trình triển khai như nguồn nguyên liệu đối với sản phẩm tươi sống thực chất phải là nguồn gốc sản phẩm.

Cơ cấu điểm của một số tiêu chí chưa phù hợp với định hướng và yêu cầu của Chương trình OCOP theo hướng phát huy nội lực, giá trị gia tăng và phát triển kinh tế cộng đồng nông thôn.

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thay thế Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019.

Về phân cấp, đánh giá

Đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia).

Về quy định tổ chức họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được quy định họp 1 lần thay vì 2 lần theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg. Bổ sung vai trò, nhiệm vụ của Tổ tư vấn hội đồng để giúp việc hội đồng trong hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Tin liên quan

Đọc tiếp