Vành đai 3 TP HCM thừa hơn 7.200 tỷ đồng chi phí bồi thường

Hạ Tầng Tp hcm
08:44 - 31/10/2023
Phối cảnh thiết kế Vành đai 3 TP HCM. Ảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM
Phối cảnh thiết kế Vành đai 3 TP HCM. Ảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM
0:00 / 0:00
0:00
Kinh phí giải phóng mặt bằng Vành đai 3 đoạn qua TP HCM đã giảm hơn 7.200 tỷ đồng so với mức được duyệt, từ 18.900 tỷ xuống 11.700 tỷ đồng sau khi cập nhật.

Nội dung trên được nêu trong báo cáo tình hình giải ngân vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM vừa gửi Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP HCM.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường, hồi cuối tháng 12/2022, UBND TP HCM phê duyệt dự án bồi thường với tổng kinh phí hơn 18.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi địa phương rà soát pháp lý hồ sơ từ người dân cung cấp, đồng thời trừ đi quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý thì nguồn vốn giảm 7.200 tỷ đồng.

Cụ thể, nhu cầu kinh phí bồi thường của TP Thủ Đức cần là 6.225 tỷ đồng, huyện Củ Chi cần 1.718 tỷ đồng, huyện Hóc Môn cần 1.614 tỷ đồng và huyện Bình Chánh cần 1.687 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạ tầng khu tái định cư và các chi phí khác là 453 tỷ đồng.

Như vậy, tổng cộng 4 địa phương cần 11.688 tỷ đồng, giảm 7.206 tỷ đồng so với quyết định cuối năm 2022, và giảm hơn 50% so với lúc khái toán nghiên cứu tiền khả thi.

Giải thích lý do vốn bồi thường dự án giảm, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết do thời điểm nghiên cứu tiền khả thi, các địa phương có Vành đai 3 đi qua, địa phương khái toán chi phí bồi thường dựa trên ranh bản đồ do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư) cung cấp. Mức bồi thường được tính mức cao nhất trong khung hệ số giá đất.

Đến thời điểm dự án bồi thường được duyệt, người dân chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý, dẫn đến việc xác định chi phí bồi thường cao hơn thực tế. Do vậy sau khi cập nhật lại cụ thể, tổng kinh phí bồi thường cho dự án tiếp tục giảm.

Vành đai 3 đoạn qua TP HCM dài hơn 47km có tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng (chi phí xây dựng hơn 22.400 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng là hơn 18.000 tỷ đồng). Trong đó, đoạn qua TP Thủ Đức có chiều dài gần 15km, tính từ điểm giáp với nút cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và kết thúc tại nút giao Tân Vạn.

Đoạn qua huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh dài tổng cộng 32 km với điểm đầu là nơi tiếp giáp cầu Bình Gởi và điểm cuối là hết cầu Thầy Thuốc.

Đọc tiếp