Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, nêu kiến nghị tại Hội nghị. Ảnh: VGP. |
Nhiều hệ lụy đáng quan ngại từ suy giảm thị trường xuất khẩu
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đến năm 2025 đặt ra từ 12,5 tỷ USD - 14 tỷ USD. Theo đó, với kịch bản của bối cảnh hiện tại, xuất khẩu thủy sản tới 2025 dự kiến đạt 12,5 tỷ USD. Kịch bản lạc quan là khi kinh tế và nhu cầu của thị trường thế giới có những biến động tích cực và điều kiện sản xuất kinh doanh trong nước thuận lợi, kỳ vọng xuất khẩu có thể đạt 14 tỷ USD.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, ngày 13/4, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kết quả xuất khẩu quý 1/2023 chỉ đạt 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ.
Những mặt hàng chính là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm 32 - 42%. Giá trung bình xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, giá xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 15%, sang Nhật giảm 50%, sang Hàn Quốc giảm 30%.
Trong quý 1/2023, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường và khối thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ đã mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức giảm 50%. Các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU cũng lần lượt giảm 11%, 22%, 13% và 29%.
Từ cuối 2022, nhiều nhà nhập khẩu đã yêu cầu dừng nhận các đơn hàng từ 3 - 5 tháng, dù đã ký hợp đồng, các đơn hàng ký mới cũng giảm đáng kể. Nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, diễn biến này khiến các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chịu một loạt áp lực lớn từ đầu quý 1 năm nay: Tồn kho tăng cao, giảm công suất sản xuất, thiếu dòng tiền về để tiếp tục thu mua nguyên liệu của nông - ngư dân và trả các khoản vay ngân hàng đến hạn. Không ít doanh nghiệp bắt đầu sản xuất cầm chừng và lo giải quyết hàng tồn kho.
"Sản xuất nguyên liệu trong nước bị tác động tiêu cực, không ít hộ dân đã tạm ngừng thả giống hoặc giảm nuôi, giảm các chuyến ra khơi đánh bắt so với các năm, do lo ngại vấn đề tiêu thụ và hiệu quả kinh tế. Hệ lụy này là đáng quan ngại không chỉ cho trước mắt, mà cả cho giai đoạn nửa cuối năm 2023 nếu thị trường hồi phục mà nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thiếu nghiêm trọng”.
Kiến nghị giải pháp trước mắt và dài hạn
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước, chuẩn bị đà cho sức bật khi thị trường phục hồi, về giải pháp trước mắt, Chủ tịch VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chương trình kích cầu để tạo động lực và duy trì việc thu mua nguyên liệu thủy hải sản, tạo tâm lý chung tốt cho nông - ngư dân tiếp tục sản xuất nguyên liệu.
Chương trình đề xuất cụ thể là gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ VNĐ với lãi suất thấp bằng với mức vay ngoại tệ, giúp các doanh nghiệp thủy sản được vay để thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch, nếu thị trường lúc đó vẫn không tốt.
Về dài hạn, VASEP kiến nghị Chính phủ thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đất đai, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp.
Bà Sắc cho rằng, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu hải sản khai thác trong nước ngày càng hạn chế so với nhu cầu cao cho xuất khẩu. Do đó, đại diện VASEP đề xuất Chính phủ xem nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt hợp pháp từ nước ngoài là nguồn tài nguyên lớn mà Việt Nam có thể đẩy mạnh thu gom, khai thác, để phục vụ cho ngành chế biến xuất khẩu đang là thế mạnh.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Sắc cũng nêu thêm một số kiến nghị. Trong đó có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp; Cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3 - 5 tháng ở các khoản vay đến lịch phải trả trong quý 1 - 2/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu 6 tháng đầu năm.
“Việc ưu tiên hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, trong đó có ngành thủy sản sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo cơ sở thúc đẩy sinh kế cho chuỗi nông - ngư dân phía trước”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhấn mạnh.