Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Quốc hội ngày 6/11. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội |
Tiếp tục phiên trả lời chất vấn chiều ngày 6/11, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về vấn để chậm cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.
Theo đại biểu, tại Nghị quyết 62 của Quốc hội đặt ra nhiều yêu cầu đối với cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai còn rất chậm, chỉ đạt một phần nhỏ kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, cơ quan thanh tra đã kết luận nhiều doanh nghiệp Nhà nước có sai phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đặt vấn đề và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân của thực trạng này?
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong nhiệm kỳ, tiến hành cổ phần hóa chậm do nhiều nguyên nhân.
Cũng có nguyên nhân như doanh nghiệp muốn mua vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu đất "vàng" nhưng đến nay Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở, không còn địa tô chênh lệch nên không hấp dẫn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, liên quan đến phương án sử dụng đất, các chính quyền địa phương không phê chuẩn, tính giá trị sử dụng đất vào trong giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá; các bộ ngành doanh nghiệp chưa trình phương án cổ phần hóa, nên cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Đại diện lãnh đạo Chính phủ giải trình sau đó, liên quan tới cổ phần hóa, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa nhận việc cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp đang chậm, giai đoạn trước chỉ thực hiện được 30% kế hoạch, và 10 tháng đầu năm nay kết quả cũng khiêm tốn.
Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân của vấn đề này do bất ổn thị trường tài chính trong nước, cùng với đó tác động đại dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu của nhà đầu tư bị hạn chế. Từ đó việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm.
"Đặc thù của doanh nghiệp cổ phần hoá hiện này đều là doanh nghiệp lớn. Thời gian qua, doanh nghiệp, tổng công ty khi tiến hành cổ phần hoá thì sự tham gia của xã hội không nhiều, có doanh nghiệp chỉ cổ phần hoá được 1% như Tổng công ty Phát điện 1 (Genco 1) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đặc biệt trình tự thủ tục, pháp luật liên quan rất phức tạp nên quá trình này diễn ra chậm", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm rõ.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc và chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đối với đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp có vốn Nhà nước.