Ảnh minh họa: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 2/2 phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030.
Chiến lược đã chỉ ra 4 nhóm mục tiêu cần đạt được gồm phát triển hạ tầng dữ liệu; phát triển dữ liệu phục vụ Chính phủ số; phát triển dữ liệu số phục vụ kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Về phát triển hạ tầng dữ liệu, chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các trung tâm dữ liệu quốc gia; trung tâm dữ liệu vùng, khu vực; trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên cả nước được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa.
Đảm bảo các nền tảng điện toán đám mây Chính phủ và các nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động "Make in Viet Nam" đáp ứng 100% nhu cầu lưu trữ, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của Việt Nam, cũng như nhu cầu đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin theo cấp độ quy định của Luật An toàn thông tin mạng.
Về phát triển dữ liệu phục vụ Chính phủ số, 100% các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia trong danh mục CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả. Đồng thời các CSDL này sẽ được kết nối với kho dữ liệu tổng hợp tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia và chia sẻ trên phạm vi toàn quốc.
Các CSDL dùng chung và chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu khai thác, tích hợp thông tin với các CSDL quốc gia hoặc nhu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với nhau, được đáp ứng 100% yêu cầu thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
100% các cơ quan Nhà nước cấp bộ, cấp tỉnh mở và cung cấp dữ liệu mở đảm bảo chất lượng, đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả, đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo điều hành, ban hành chính sách của cơ quan Nhà nước và phục vụ phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cùng với đó, 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính sẽ được số hóa. Tối thiểu 80% dữ liệu về kết quả thực hiện các thủ tục hành chính được tái sử dụng, chia sẻ theo quy định nhằm đảm bảo người dân và doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các thủ tục hành chính.
Chiến lược còn đặt mục tiêu tích hợp kết quả xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức vào phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của từng đơn vị. Tỷ lệ áp dụng dữ liệu trong phục vụ quản lý, điều hành công việc trên môi trường số, trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức đạt tối thiểu 70%.
Về phát triển dữ liệu phục vụ kinh tế số, xã hội số, chiến lược hướng tới xây dựng và hoàn thành 100% các bộ dữ liệu ngành nông nghiệp gồm dữ liệu đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản cho các vùng sản xuất nông nghiệp.
Hình thành dữ liệu của toàn bộ chuỗi quy trình sản xuất, kinh doanh, chế biến, quản lý giám sát nguồn gốc, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp quan trọng, đảm bảo việc cung cấp thông tin minh bạch, chính xác, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Trong đó, 100% dữ liệu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ được cung cấp kèm theo các sản phẩm OCOP đăng bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Xây dựng và hoàn thành 100% các bộ dữ liệu ngành công nghiệp, thương mại và năng lượng. 90% các di sản văn hóa, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt được số hóa, lưu trữ đầy đủ dữ liệu và hình thành thư viện số, di sản số, có hiện diện số trên môi trường mạng để mọi người dân, khách du lịch có thể truy cập, tra cứu tìm hiểu thuận lợi trên môi trường số.
Đặc biệt, chiến lược đặt mục tiêu phát triển thị trường dữ liệu, hoàn thành thí điểm, thử nghiệm 5 sàn giao dịch dữ liệu tạo môi trường mua bán, trao đổi dữ liệu có sự giám sát đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật.
Đồng thời, phát triển các dịch vụ dữ liệu như tổng hợp, phân tích, dán nhãn dữ liệu...để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật; xuất khẩu tri thức của lao động Việt Nam ra nước ngoài dựa trên các công việc mới với dữ liệu.
Về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, chiến lược dữ liệu quốc gia hướng tới 100% các CSDL quốc gia, CSDL dùng chung, chuyên ngành và CSDL quan trọng của các bộ, ngành, địa phương được triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình bảo vệ 4 lớp, đồng thời triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.