Việt Nam cần 368 tỷ USD để đạt mục tiêu Net Zero

Tín dụng xanh Việt nAM
15:24 - 22/11/2023
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Theo tính toán của WorldBank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt mục tiêu Net Zero. Để so sánh, về hiện trạng, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến tháng 6/2023 là 528 nghìn tỷ đồng.

Tại hội thảo sáng 22/11/2023 về “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình”, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng kể một câu chuyện về sự lựa chọn.

Câu chuyện của giới nghiên cứu kinh tế

Theo ông, Việt Nam đã từng đứng giữa hai lựa chọn, một là tiếp tục theo lộ trình cũ hay chuyển hướng sang lộ trình tăng trưởng xanh để giúp đối mặt với những tác động rủi ro trong tương lai như dịch bệnh, biến đổi khí hậu và đảm bảo sự bền vững về môi trường.

Bối cảnh là, sau đại dịch Covid-19, phục hồi tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng theo hướng xanh hóa đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới, và đã trở thành một ưu tiên trong định hướng phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Chọn lựa xu hướng xanh, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh. Đây là phương thức quan trọng và là hướng đi đúng đắn cho sự phát triển nhanh và bền vững trong tương lai, ông Trần Đình Thiên nói.

Việt Nam cần 368 tỷ USD để đạt mục tiêu Net Zero ảnh 1

MỘT CAM KẾT GÂY SỬNG SỐT

"Đối với việc Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" Net Zero vào năm 2050, đó là cam kết 'gây sửng sốt cho nhân loại'. Bởi nhiều quốc gia trên thế giới cũng chỉ cam kết 'như chúng ta'. Thậm chí, như Ấn Độ hay Trung Quốc còn cam kết Net Zero vào năm 2060 – 2070 - tức là lâu hơn so với Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết là vậy nhưng kế hoạch hành động, cách hành động cụ thể của các quốc gia sẽ khác nhau."

PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Do đó, để hiện thực hóa các cam kết này, Việt Nam phải đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, cụ thể hóa các nội dung chiến lược tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, xây dựng "Lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn".

Mặc dù vậy, muốn thực hiện được mục tiêu này thì phải có nguồn lực về tài chính, trong khi nguồn lực huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh tại Việt Nam vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

"Rất khó định lượng các khoản đầu tư cần thiết vì việc này đòi hỏi phải xác định và tính toán được chi phí của các biện pháp thích ứng không chỉ ở các ngành kinh tế khác nhau mà còn ở các khu vực địa lý cụ thể", ông Thiên nói, tại hội thảo trên, do CafeF tổ chức.

Với tổng giá trị tài sản thương mại và công nghiệp dễ bị tổn thương với rủi ro biến đổi khí hậu ở Việt Nam ước tính khoảng 300 tỷ USD, tổng chi phí cải thiện khả năng chống chịu của các tài sản này với biến đổi khí hậu và giảm phát thải sẽ lên tới 228 tỷ USD trong cả giai đoạn 2022-2050.

Ngoài ra còn có chi phí có thể phát sinh thêm từ nhu cầu nâng cấp và bổ sung cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như từ các khoản đầu tư mới cần thiết để tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ước tính các chi phí đó hàng năm vào khoản 3-4% GDP trong giai đoạn 2021-2025.

Dẫn những số liệu trên, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, vốn là một phần nhưng cần nhất là sự tham gia từ phía Chính phủ, từ phía các doanh nghiệp để phục vụ chiến lược xanh của quốc gia. Đặc biệt là sự tham gia từ cả xã hội, làm thế nào để tất cả đều tham gia vào, và hướng tới mục tiêu xanh.

"Thách thức phát thải bằng 0 vào năm 2050 rất ghê gớm, cam kết áp lực là chính thế nhưng phải làm thế nào để biến thách thức thành cơ hội thì chúng ta mới thành công", TS Thiên nhấn mạnh.

Sự cam kết từ các ngân hàng thương mại

Chia sẻ về những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt để hướng đến tăng trưởng xanh, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank đưa ra hai ý kiến:

Thứ nhất, về nguồn vốn, theo WorldBank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỷ USD để đạt mục tiêu Net Zero.

Trong bối cảnh đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam tính đến ngày 30/6/2023 còn khá khiêm tốn, chỉ đạt gần 528.300 tỷ đồng, tức là chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước định hướng, mục tiêu đến cuối 2025, tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế sẽ đạt 10% từ khoảng 4,2% của hiện nay.

"Khi làm việc với các định chế tài chính trên thế giới, chúng ta hay nói là lấy nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh sẽ rẻ hơn, nhưng thực tế hiện tại, nguồn vốn nước ngoài không còn rẻ nữa. Thậm chí hiện nay nguồn vốn trong nước đã rẻ hơn quốc tế khi mà lãi suất của FED, các nước Châu Âu ở mức rất cao. Tuy nhiên, nguồn vốn từ định chế tài chính quốc tế vẫn quan trọng trong lâu dài đối với các danh mục trái phiếu xanh, tín dụng xanh", ông Nam chia sẻ.

Thách thức thứ hai, theo ông Nam, là về năng lực đổi mới để phù hợp với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất, đào tạo đội ngũ nhân lực, người lao động và các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin.

"Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành", đại diện HDBank nhận định.

Mặc dù vậy, song hành với thách thức vẫn luôn có các cơ hội. Ông Nam chỉ ra, Việt Nam có thể tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi. Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới cùng các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ tín dụng xanh.

Đối với ngành ngân hàng, NHNN đã phê duyệt "Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam" cùng các chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với từng giai đoạn.

Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải xây dựng quy định về quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, đẩy mạnh hoạt động cấp tín dụng xanh.

Đối với ngân hàng HDBank, ông Nam cho biết, ngân hàng này đã sớm xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh toàn diện và phát triển bền vững. Ngoài ra, HDBank là một trong những ngân hàng thương mại tiên phong tích hợp, thực thi ESG trong hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, HDBank đã tài trợ nhiều dự án năng lượng tái tạo. Trong đó, đã dành hạn mức gần 8.000 tỷ đồng cho các dự án điện mặt trời, hơn 6.100 tỷ đồng cho các dự án điện mặt trời áp mái nhà, ngoài ra còn có 750 tỷ đồng cho dự án điện gió.

Tổng số lượng dự án năng lượng tái tạo mà HDBank đã tài trợ lên tới 625 dự án, ông Nam nói.

Việt Nam cần 368 tỷ USD để đạt mục tiêu Net Zero ảnh 2

Chúng tôi đã làm việc cùng với IFC, Proparco, ADB để thúc đẩy nguồn vốn tín dụng xanh và đạt kết quả tích cực. Ngoài ra, HDBank cũng xây dựng quy trình quy chế ESG vào quy trình rủi ro tín dụng, thành lập bộ phận chuyên trách về ESG và tổ chức thi đua về xanh hoá để nhân viên HDBank hiểu và tham gia.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank

Không chỉ riêng HDBank, cùng đồng hành trên con đường tiên phong tài trợ cho những dự án phát triển xanh của quốc gia, SHB cũng xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Theo ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng SHB, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại ngân hàng SHB chiếm gần 10% trên tổng dư nợ, có xu hướng ngày càng tăng và góp phần tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường. Từ năm 2018 đến nay dư nợ tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng gần 150%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng là 70%.

Định hướng phát triển tín dụng xanh giai đoạn 2022-2027, SHB sẽ tập trung tài trợ vốn cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thuộc 11 lĩnh vực xanh gồm: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo - năng lượng sạch, tái chế tái sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường thiên nhiên và phòng chống thiên tai, quản lý nước sạch, công trình xây dựng xanh, giao thông bền vững, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên…

Trong đó SHB có xu hướng tập trung vào công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời với tỷ trọng 10%, dành nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Dũng chia sẻ.


Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.