Hai Thủ tướng trao đổi tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Tối ngày 13/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz đã tham dự hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Việt Nam và Đức. Hội nghị diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực, Việt Nam được UNCTAD đưa vào Top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. S&P đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng "Ổn định", đưa Việt Nam trở thành một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm năm 2022.
Theo Thủ tướng, kết quả hợp tác kinh tế giữa hai bên những năm qua là đáng khích lệ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa hợp tác giữa hai nước là rất lớn với nhiều nhân tố thuận lợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp Đức ủng hộ mạnh mẽ để Quốc hội Đức phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA).
Nhằm tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư lâu dài, ổn định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên hợp tác trong các lĩnh vực mà Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu cao như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng chiến lược; công nghiệp hóa dược, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng đề nghị Chính phủ và các doanh nghiệp Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hợp tác và chuyển giao công nghệ; nghiên cứu và phát triển; xây dựng các chương trình hợp tác để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Việt Nam rất quan trọng vì nằm trong mạng lưới kinh tế phong phú của châu Á và có sức đề kháng ấn tượng trong thời kỳ dịch bệnh nhờ thế mạnh về nguồn nguyên liệu và lao động. Ảnh: VGP |
Đức đã xác định Việt Nam là đối tác toàn cầu trong chiến lược Hợp tác phát triển đến năm 2030. Do đó, Việt Nam mong muốn Đức hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách để tiếp cận, huy động các nguồn tài chính xanh, đặc biệt là của các nước G7 và các thể chế tài chính quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết COP26.
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm đà tăng trưởng, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Đức chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam - điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn với nền tảng chính trị ổn định, chi phí cạnh tranh, nhân lực dồi dào, môi trường kinh doanh thuận lợi…
Thủ tướng tin tưởng rằng, hợp tác đầu tư - thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam - Đức, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới. Trong xu thế chuyển đổi xanh rất tích cực, các doanh nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu đầu tư sang Đức, nhất là về năng lượng sạch và các đối tác Đức cũng nghiên cứu đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam.
"Chính phủ Việt Nam cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Đức đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi."
Doanh nghiệp Đức sẽ đẩy mạnh đầu tư, hợp tác với Việt Nam trong phát triển năng lượng tái tạo
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ, với nhiều doanh nghiệp Đức và châu Âu, Việt Nam rất quan trọng vì nằm trong mạng lưới kinh tế phong phú của châu Á và có sức đề kháng ấn tượng trong thời kỳ dịch bệnh nhờ thế mạnh về nguồn nguyên liệu và lao động.
Ông Olaf Scholz đánh giá Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) như một biện pháp chống lại các thiệt hại về kinh tế trong hơn hai năm dịch bệnh vừa qua. Ông cho biết, trong đoàn đại biểu thăm Việt Nam lần này có rất nhiều doanh nghiệp Đức sang tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nhất là về hạ tầng và năng lượng.
Thủ tướng Đức tin tưởng rằng hai bên đã tạo được những cơ sở vững chắc cho việc hợp tác kinh tế, đặc biệt là với những thỏa thuận trong lĩnh vực đào tạo nghề, xây dựng các trường dạy nghề kiểu mẫu ở một số địa phương theo mô hình đào tạo nghề song hành rất thành công của Đức.
Nước Đức đang cố gắng hoàn thành chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và sẽ đẩy mạnh tăng cường đầu tư, hợp tác với phía Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đức là đối tác đầu tư, thương mại hàng đầu của Việt Nam tại EU
Sau gần 50 năm thiết lập quan hệ, Việt Nam và Đức đã xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với những dấu ấn nổi bật ở nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục... Đức là một trong những nước châu Âu viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam với khoảng 2 tỷ USD viện trợ từ 1990 tới nay.
Về đầu tư, Đức hiện có 437 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng đầu tư đạt 2,34 tỷ USD, tăng 2,87 lần so với năm 2010, đứng thứ 18/141 quốc gia, vùng lãnh thổ và thứ 4 trong các quốc gia thành viên EU.
Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (52,1%) và năng lượng (27,8%). Gần 400 doanh nghiệp Đức, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Gần đây, việc thực thi Hiệp định EVFTA đã mở rộng thị trường cho hàng hóa hai nước, nhiều mặt hàng của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, nông sản chất lượng cao có vị trí vững chắc ở Đức và châu Âu, nhiều mặt hàng Đức cũng ngày càng thông dụng và rất được ưa chuộng tại Việt Nam.