Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi - Ảnh: minh họa |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu các loại về Việt Nam trong năm 2021 đạt trên 4,93 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2020.
Như vậy, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong năm qua cao hơn năm 2020 tới hơn 1 tỷ USD và là mức cao nhất trong lịch sử nhập khẩu nhóm hàng này.
Các thị trường chủ yếu cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam vẫn là Argentina, Mỹ, Brazil và EU. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ Argentina, đạt 1,66 tỷ USD, chiếm 33,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của cả nước, tăng 7,8% so với năm 2020.
Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch tăng rất mạnh 61,7% so với năm 2020, đạt 817,64 triệu USD, chiếm 16,6% tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ thị trường Brazil trong năm 2021 đạt 659,69 triệu USD, chiếm 13,4%, tăng mạnh 68,4% so với năm 2020; nhập khẩu từ thị trường EU đạt 398,25 triệu USD, chiếm 8%, tăng 39,7%; thị trường Đông Nam Á đạt 362,22 triệu USD, chiếm 7,3%, tăng 20,9%.
Nhìn chung, trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ các thị trường chủ đạo đều tăng so với năm 2020.
Thị trường “béo bở” cho các nước xuất khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2020, Việt Nam chi khoảng 3,8 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu các loại. Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tiếp tục tăng. Điều đó cho thấy ngành thức ăn nuôi công nghiệp của nước ta đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ nước ngoài.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, ngành thức ăn chăn nuôi có sự phát triển và tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, trung bình đạt tăng trưởng 13-15%/năm cả về sản lượng và giá trị. Đây cũng là ngành mang lại giá trị lợi nhuận lớn nhất. Chính vì vậy, nhiều nước cung cấp lớn đã ‘đổ xô’ vào Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong một thập kỷ qua, Việt Nam đã tăng nhập khẩu ngô lên tới 30% với mục đích làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để phục ngành sản xuất thịt. Đến nay, Việt Nam là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam. Dự báo, đến năm 2022, nước ta sẽ trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 5 trên thế giới.
Dự báo, nhu cầu nhập khẩu ngô và phụ phẩm ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục tăng cao, với mức gấp 3 lần trong 10 năm tới. Trong đó, nguyên liệu ngô chiếm phần lớn do ngành sản xuất thịt phát triển.
Theo Báo cáo Thương mại Nông nghiệp Quốc tế của USDA, nuôi trồng thủy sản và động vật có vỏ hoặc các loài khác tại Việt Nam đang được mở rộng. Đồng thời sự phục hồi của sản xuất thịt lợn và việc mở rộng sản xuất thịt bò và gia cầm trong thời gian tới sẽ là những yếu tố cũng sẽ đẩy mạnh nhu cầu về thức ăn và nguyên liệu chăn nuôi của Việt Nam.
Ông Tống Xuân Chinh, Cục Phó Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với bất cứ quốc gia nào cũng đều rất quan trọng, chiếm tới 65 – 70% giá trị sản xuất. Bởi vậy nó ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm.
Để khắc phục được ‘lỗ hổng’ về nguồn cung trong nước và ‘hạ nhiệt’ giá thành, các doanh nghiệp Việt đang ngày càng chủ động đầu tư về công nghệ. Đồng thời, tiến hành mở rộng quy mô nhà máy, xưởng sản xuất… Đến thời điểm hiện tại, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 10 thế giới về công nghệ.