Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF). Ảnh: Bộ Công Thương |
Trong 2 ngày 26/5 - 27/5, tại thành phố Detroit, Mỹ, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF).
Hội nghị được đồng chủ trì bởi Đại sứ - Trưởng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai và Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo, với sự tham gia của 14 nước thành viên gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Brunei, Fiji và Việt Nam.
Tại phiên họp, các Bộ trưởng đã rà soát tình hình đàm phán các nội dung của cả 4 trụ cột và kế hoạch triển khai trong thời gian tới. Các lĩnh vực đàm phán đều đang tiến triển tốt với sự tham gia tích cực trên tinh thần xây dựng của tất cả các nước tham gia. Đặc biệt, các Bộ trưởng đã ghi nhận sự tiến bộ đáng kể đối với Chương Hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác kinh tế - một nội dung rất quan trọng thuộc Trụ cột I về Thương mại.
Ngoài ra, các nước cũng đã kết thúc cơ bản việc đàm phán lời văn của Trụ cột II về Chuỗi cung ứng. Theo đó, các nước sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo, bao gồm việc tham vấn trong nước và rà soát pháp lý, để hoàn tất lời văn và chuẩn bị cho việc ký kết, phê chuẩn nội dung này trong thời gian tới.
Các bộ trưởng nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy việc đàm phán trên tất cả các lĩnh vực, song song với đó sẽ xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực để mang lại lợi ích cụ thể và thiết thực cho các nước thành viên ngay cả trong giai đoạn đàm phán.
Việt Nam kêu gọi các nước thành viên IPEF tiếp tục tôn trọng và áp dụng nguyên tắc tự nguyện và tôn trọng pháp luật, thể chế chính trị và điều kiện đặc thù của mỗi nước .Ảnh: Bộ Công Thương |
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả mà các nước đã đạt được cho đến nay; đồng thời khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng trao đổi với các nước thành viên IPEF để góp phần xây dựng các nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển của từng thành viên.
Về tiến trình chung, Việt Nam ủng hộ mục tiêu của Khuôn khổ IPEF về việc cơ bản kết thúc đàm phán tất cả các Trụ cột còn lại trong thời gian sớm nhất và hướng tới kết quả tích cực vào cuối năm nay.
Bộ trưởng đánh giá cao các nỗ lực của Mỹ trong việc điều phối, tổ chức thảo luận, tiếp thu ý kiến của các nước thành viên để từ đó thống nhất được những cam kết và quy định mang tính tiêu chuẩn cao nhưng cân bằng, có tính đến khác biệt về thể chế và trình độ phát triển của mỗi nước thành viên.
Bộ trưởng cũng kêu gọi các nước thành viên IPEF tiếp tục tôn trọng và áp dụng nguyên tắc đã được thống nhất trước đây khi bắt đầu thảo luận về Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tự nguyện và tôn trọng pháp luật, thể chế chính trị và điều kiện đặc thù của mỗi nước trong cả quá trình đàm phán cũng như thực thi sau này.
Khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF) là Khuôn khổ hợp tác kinh tế do Mỹ đề xuất với cách tiếp cận mới, mở, linh hoạt và bao trùm. Khuôn khổ bao gồm 4 Trụ cột chính gồm thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng.
Trụ cột I bao gồm các nội dung như lao động, môi trường, kinh tế số, nông nghiệp, minh bạch hoá và thực hành tốt các quy định, chính sách cạnh tranh, thuận lợi hoá thương mại, tính bao trùm, và hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác kinh tế.
Trụ cột II bao gồm thiết lập các tiêu chí cho các lĩnh vực và hàng hóa quan trọng; tăng sức chống chịu và tăng đầu tư vào các lĩnh vực và hàng hóa quan trọng; thiết lập Cơ chế chia sẻ thông tin và ứng phó đối với khủng hoảng; tăng cường hậu cần chuỗi cung ứng; nâng cao vai trò của người lao động và cải thiện tính minh bạch của chuỗi cung ứng.
Trụ cột III tập trung vào 5 cấu phần chính là an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng; giảm phát khí nhà kính trong một số ngành ưu tiên; các giải pháp đất, nước, đại dương bền vững; công nghệ tiên tiến cho giảm thiểu khí nhà kính; và các biện pháp khuyến khích chuyển đổi năng lượng sạch.
Trụ cột IV bao gồm 4 vấn đề chính là chống tham nhũng; thuế; xây dựng năng lực và đổi mới sáng tạo; hợp tác toàn diện và minh bạch hoá.