Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023. Ảnh: Anh Thư |
Theo kế hoạch trình cổ đông, Vinare dự kiến phát hành cổ phiếu để chia cổ tức tỷ lệ 10%, tương đương cứ 10 cổ phiếu, cổ đông nhận được 1 cổ phiếu mới. Với hơn 150,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến, Vinare sẽ phát hành thêm hơn 15,07 triệu cổ phiếu.
Tổng giá trị phát hành tính theo mệnh giá là hơn 150,7 tỷ đồng, vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành là khoảng 1.658 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022.
Cổ phiếu nhận được không bị hạn chế chuyển nhượng nhưng quyền nhận trả cổ tức không được chuyển nhượng. Thời gian phát hành cổ phiếu dự kiến trong quý 3/2023 hoặc quý 4/2023, sau khi được chấp thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Phát biểu tại đại hội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT của Vinare cho biết, việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức là xu hướng tất yếu của công ty để tăng cường năng lực tài chính. Vinare cùng sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm sau, nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2024, vốn điều lệ đạt 2.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT của Vinare cho biết, việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức là xu hướng tất yếu của công ty để tăng cường năng lực tài chính. Ảnh: Anh Thư |
Việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, điều kiện đối với hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm (cốt lõi) ngày càng cao, nâng cao năng lực tài chính, quy mô kinh doanh của tổng công ty, đón đầu xu thế phát triển của ngành bảo hiểm, đồng thời, tăng tính thanh khoản của cổ phiếu VNR, nâng cao thương hiệu VINARE.
Đây là năm thứ hai công ty tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu để thực hiện mục tiêu tăng vốn, năm 2021, Vinare cũng phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ 15% để chia cổ tức.
Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 22/4 trước đó, Vinare đã thông qua phương án chia cổ tức tỷ lệ 20%, với 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. Ngày 31/7 vừa qua, cổ đông của công ty đã nhận được cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% (tương đương mỗi cổ phiếu cổ đông nhận được 1.000 đồng). Với 150,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vinare đã chi ra khoảng 150,7 tỷ đồng chia cổ tức.
Về tình hình kinh doanh, quý 2/2023, Vinare ghi nhận doanh thu phí nhận tái bảo hiểm đạt gần 705 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 362 tỷ đồng, tăng 9,3%. Doanh thu tài chính giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước xuống 98 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính giảm mạnh 89% xuống còn 3 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế quý 2 của Vinare vẫn tăng 14% lên 135 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinare ghi nhận doanh thu phí nhận tái bảo hiểm đạt 1.576 tỷ đồng, tăng 22%, doanh thu hoạt động tài chính tăng 82% lên 278 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của Vinare tăng gấp 1,7 lần cùng kỳ lên 372 tỷ đồng.
Năm 2023, Vinare đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu phí nhận đạt 2.468 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 460 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 5% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, hết quý 2, công ty đã hoàn thành 63,9% kế hoạch doanh thu và 80,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Phát biểu tại Đại hội bất thường, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Vinare tin tưởng rằng sẽ còn nhiều dư địa để công ty hoàn thành tốt kế hoạch đề ra cho năm 2023.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Vinare tại ngày 30/6 là 8.005 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu kỳ, trong đó, khoản tài sản tái bảo hiểm đạt 1.463 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.204 tỷ đồng…
Đầu tư tài chính vẫn chiếm phần lớn tài sản của Vinare với 2.391 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn và 2.308 tỷ đồng đầu tư dài hạn. Trong đó, công ty có 2.344 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, 728 tỷ đồng tiền gửi dài hạn và 710 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty đạt 4.390 tỷ đồng, chủ yếu là 3.102 tỷ đồng dự phòng nghiệp vụ. Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 đạt gần 3.615 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu đạt 1.507 tỷ đồng.