Dù mảng kinh doanh chính ghi nhận tăng trưởng, hầu hết các mảng hoạt động còn lại của VNDirect đều giảm sút |
Cụ thể, trong quý 4/2022, doanh thu hoạt động của VND đạt gần 1.962 tỷ đồng, tăng hơn 1,2% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.261 tỷ đồng, tăng 53,14% so với quý 4 năm trước.
Dù mảng kinh doanh chính ghi nhận tăng trưởng, hầu hết các mảng hoạt động còn lại của VNDirect đều giảm sút. Lãi từ cho vay và phải thu giảm 23,2% so với cùng kỳ về còn 335,36 tỷ đồng, doanh thu môi giới chứng khoán giảm tới 62% xuống còn 206,55 tỷ đồng, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 21,8% còn 64,85 tỷ đồng.
Duy chỉ có doanh thu nghiệp vụ lưu ký chứng khoán tăng gấp 10 lần lên 53,3 tỷ đồng, thu nhập khác cũng tăng mạnh lên 2,69 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động trong kỳ lại tăng gần gấp đôi so với quý 4/2021 lên 1.450,9 tỷ đồng, chủ yếu tới từ việc lỗ từ các tài sản chính FVTPL tăng gần 3,5 lần lên 1.138,7 tỷ đồng.
Kết quả, VNDirect lãi trước thuế vỏn vẹn 8,5 tỷ đồng, khấu trừ các chi phí, công ty ghi nhận lỗ ròng gần 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 724,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu Bảo hiểm PTI tăng gấp đôi trong 2 tuần cuối năm
Theo giải trình, VNDirect cho biết công ty vẫn đang phát huy hiệu quả các nền tảng kinh doanh cốt lõi để thích nghi với bối cảnh thị trường, tuy nhiên doanh thu giảm mạnh, mảng tự doanh và cho vay ký quỹ kém tích cực, cộng thêm chi phí lãi vay tăng mạnh khiến công ty ghi nhận thua lỗ.
Lũy kế cả năm 2022, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động mức 6.995,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.365,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,1% và giảm 37,3% so với thực hiện của năm 2021.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của VNDirect tăng 5,2% so với đầu năm lên 38.770,123 tỷ đồng. 99% trong số đó là tài sản ngắn hạn, bao gồm các tài sản FVTPL tăng 54,2% từ đầu năm lên mức 18.930 tỷ đồng, chủ yếu đến từ trái phiếu tổ chức tín dụng (1.715,6 tỷ đồng), trái phiếu doanh nghiệp (7.958,8 tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (7.313,7 tỷ đồng).
Các khoản cho vay của VND giảm 41,4% xuống còn 9.060,8 tỷ đồng, dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính và thế chấp cũng tăng từ 140,7 tỷ đồng lên 230,38 tỷ đồng. Các khoản phải thu cũng tăng mạnh so với đầu năm lên 2.245 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại thời điểm cuối năm đạt 24.285 tỷ đồng, giảm gần 3.000 tỷ so với đầu năm, trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm gần 19.312 tỷ đồng, giảm hơn 5,56%.