VNDirect hưởng lợi chung từ sự hồi phục của thị trường chứng khoán. |
Theo báo cáo tài chính quý 1/2024, Chứng khoán VNDirect (mã VND) đạt doanh thu hoạt động 1.385 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mảng kinh doanh hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng.
Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng 45% lên 144 tỷ đồng; lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 27% lên 316 tỷ đồng; doanh thu môi giới tăng 56% lên 228 tỷ đồng. Tuy nhiên, chiếm tỷ trọng lớn nhất, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 15% về 664 tỷ đồng.
Hoạt động tự doanh của công ty cũng hiệu quả hơn. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 15% về 664 tỷ đồng; bù lại khoản lỗ từ hoạt động này giảm 72% về mức 130 tỷ đồng. Tính ra, mảng tự doanh mang về cho VND 534 tỷ đồng lãi thuần, trong khi cùng kỳ đạt 310 tỷ đồng.
Chi phí tự doanh và chi phí môi giới tăng lần lượt 47% và 28%. Chi phí quản lý tăng đáng kể 90% lên 154 tỷ đồng, chủ yếu từ chi phí dịch vụ mua ngoài cao bất thường 99 tỷ đồng, vượt cả 4 quý năm 2023 cộng lại (95 tỷ đồng).
Kết quả, VNDirect mang về lợi nhuận sau thuế 617 tỷ đồng, gấp 4,4 lần quý 1/2023. Tuy nhiên so với quý liền trước (quý 4/2023), doanh thu và lợi nhuận của VND đều sụt giảm.
Tại thời điểm cuối quý 1/2024, tổng tài sản của công ty ở mức 41.300 tỷ đồng - đi ngang so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương ghi nhận 3.365 tỷ đồng, giảm 31%. Tiền gửi có kỳ hạn gần 7.800 tỷ đồng, tăng 5%.
Dư nợ cho vay hoạt động ký quỹ (margin) tại cuối tháng 3/2024 là 9.930 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Công ty không còn ghi nhận khoản ứng trước tiền bán (374 tỷ đồng tại đầu năm).
Với tài sản FVTPL hơn 16.200 tỷ đồng, VNDirect vẫn nắm nhiều nhất trái phiếu, với giá trị trên 8.700 tỷ đồng (phần lớn là trái phiếu chưa niêm yết), tăng 6% so với đầu năm. Tiếp theo là chứng chỉ tiền gửi với hơn 4.500 tỷ đồng, giảm 25%. Trước đó, trong năm 2023, VND đã thoái bớt vốn khỏi mảng trái phiếu, giảm từ gần 10.500 tỷ đồng xuống còn hơn 8.200 tỷ đồng.
Chủ tịch VNDirect: Chúng tôi thiệt hại rất lớn cả về kinh tế lẫn uy tín
Số dư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết của công ty ghi nhận ở mức 1.529 tỷ đồng, tăng thêm 421 tỷ đồng so với đầu năm.
VNDirect nắm giữ VPB với tỷ trọng lớn nhất, giá trị hơn 450 tỷ đồng (tạm lỗ 20 tỷ đồng), tiếp đến là HSG 327 tỷ đồng (tạm lãi 105 tỷ đồng), ACB hơn 116 tỷ đồng (tạm lãi 12 tỷ đồng); các cổ phiếu khác 636 tỷ đồng (tạm lãi 60 tỷ đồng).
Công ty còn có hơn 1.100 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chưa niêm yết, với hai mã chiếm tỷ trọng lớn là C4G 285 tỷ đồng (tạm lãi 32 tỷ đồng), LTG 115 tỷ đồng (tạm lỗ 31 tỷ đồng).