WEF: Du lịch toàn cầu năm 2024 sẽ vượt mức trước đại dịch

DU LỊCH WEF
16:00 - 22/05/2024
Ảnh: UNWTO
Ảnh: UNWTO
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ngành du lịch toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi trở lại trong năm nay, với số lượng khách du lịch sẽ vượt mức trước đại dịch Covid-19.

CNA đưa tin, theo Báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024 (TTDI) được WEF công bố ngày 21/5, đóng góp của ngành du lịch vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có khả năng đạt mức trước thời kỳ dịch bệnh, nhờ vào việc các nước dỡ bỏ hạn chế đi lại và nhu cầu đi lại bị dồn nén mạnh.

Báo cáo của WEF chỉ ra rằng quá trình phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch tại các khu vực có sự khác nhau. Trong số 30 quốc ghi điểm cao trong bảng xếp hạng TTDI 2024, có 26 quốc gia là các nền kinh tế có thu nhập cao, 19 quốc gia ở châu Âu, 7 quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương, 3 quốc gia ở châu Mỹ và một quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi.

Mỹ, Tây Ban Nha và Nhật Bản là 3 nước lần lượt xếp vị trí đầu bảng. Bình luận về thứ hạng của Nhật Bản, ông Andreas Hardeman - người đứng đầu ngành hàng không, hàng không, lữ hành và du lịch tại WEF, cho biết: “Chúng tôi biết rằng đất nước này có cơ sở hạ tầng giao thông và mặt đất tuyệt vời. Đó là một nơi rất an toàn để đi du lịch và làm mọi thứ rất hiệu quả”. Ông nói rằng du lịch Nhật Bản trở nên cạnh tranh hơn vì đồng Yen đã yếu, từ đó du khách được hưởng lợi về giá cả phải chăng.

Pháp, Australia, Đức, Anh, Trung Quốc, Italy và Thụy Sĩ cũng lọt vào danh sách 10 nền kinh tế hàng đầu về chỉ số du lịch của WEF. Khi được hỏi Trung Quốc đã thực hiện những chiến lược quan trọng nào để thúc đẩy ngành du lịch, ông Hardeman nói với CNA rằng những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cải thiện kết nối sân bay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và an toàn “đã được đền đáp”.

Báo cáo chỉ ra rằng, Trung Đông có tỷ lệ phục hồi cao nhất về lượng khách du lịch quốc tế (cao hơn 20% so với năm 2019), trong khi châu Âu, châu Phi và châu Mỹ đều cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ khoảng 90% so với mức trước đại dịch. Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore xếp vị trí 13 trong bảng xếp hạng TTDI, sau đó là Indonesia (22), Malaysia (35), Thái Lan (47), Việt Nam (59), Philippines (69), Campuchia (86), Lào (91).

Kết quả chỉ số cho thấy, khu vực châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển du lịch, lữ hành. Khu vực này còn được hỗ trợ bởi môi trường kinh doanh thuận lợi, thị trường lao động năng động, chính sách du lịch cởi mở và cơ sở hạ tầng giao thông và du lịch mạnh mẽ.

“Năm nay đánh dấu một bước ngoặt đối với ngành du lịch và lữ hành, với khả năng thúc đẩy tăng trưởng và phục vụ cộng đồng thông qua chuyển đổi kinh tế và xã hội,” ông Francisco Betti – Trưởng nhóm Công nghiệp Toàn cầu tại WEF, cho biết.

Trong khi đó, ông Andreas Hardeman nói rằng: “Du lịch là ngành chiếm 10% nền kinh tế toàn cầu. Nó sử dụng khoảng 350 triệu người trên thế giới, nhiều hơn toàn bộ dân số Mỹ. Trong 10 năm tới, dự kiến du lịch sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 15,5 nghìn tỷ USD, chiếm gần 12% lực lượng lao động toàn cầu”.

WEF cho biết, mặc dù ngành du lịch đã giúp các nước đang phát triển cải thiện được điều kiện kinh tế, nhưng họ vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách với các nước có thu nhập cao.

Báo cáo của WEF cũng chỉ ra rằng, bất chấp sự tăng trưởng sau đại dịch, các điều kiện hoạt động của ngành du lịch vẫn còn nhiều thách thức, đến từ tình trạng thiếu nhân công tiếp diễn ở nhiều quốc gia, cho đến công suất đường hàng không không theo kịp nhu cầu ngày càng tăng.

Báo cáo cho biết, sự mất cân đối cung cầu, kết hợp với áp lực lạm phát lan rộng, đã dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh về giá và gián đoạn dịch vụ. Bên cạnh đó, ngành du lịch quốc tế vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro phức tạp bao gồm bất ổn địa chính trị, biến động kinh tế, lạm phát và thời tiết khắc nghiệt. Tính bền vững cũng là một vấn đề lớn của ngành du lịch, khi mức phát thải có khả năng tăng cao về mức trước đại dịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cảnh sát tuần tra bên ngoài trung tâm báo chí, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại thành phố Bari, Italy, ngày 12/6/2024. Ảnh; Reuters

Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc tại Italy

Từ 13 – 15/6/2024, Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại miền nam Italy trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của nhóm này mong muốn thể hiện sự đoàn kết trước các vấn đề kinh tế, chính trị quan trọng cũng như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.