Theo báo cáo vĩ mô tiền tệ tháng 4/2024 phát hành ngày 9/4, Bộ phận nghiên cứu của WiGroup nhận định, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao trong những tháng sắp tới sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá lên Việt Nam và diễn biến tỷ giá trong ba tháng đầu năm cho thấy vấn đề tỷ giá sẽ là mối lo vĩ mô chính của năm nay.
Tỷ giá tháng 3 tiếp tục ghi nhận những áp lực khi tỷ giá ở thị trường tự do đã tăng vượt mức đỉnh lịch sử vào đầu tháng, sau đó dao động quanh vùng đỉnh lịch sử. Nguyên nhân chủ yếu tới từ việc chỉ số DXY - đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng khi Fed chưa xác định thời điểm giảm lãi suất đầu tiên và sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Để giảm bớt áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tín phiếu nhằm hút bớt thanh khoản ra khỏi thị trường. Cụ thể, NHNN thực hiện hoạt động hút ròng liên tục trong 15 phiên từ ngày 11 - 29/3 với tổng khối lượng 171,2 nghìn tỷ đồng và kỳ hạn 28 ngày. Mức lãi suất trúng thầu dao động từ 1,32 - 2,5% đã giúp hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này có thể chưa được như kỳ vọng do nhiều yếu tố phức tạp, khó lường khác cả trên thị trường quốc tế lẫn trong nước đang tác động đến tỷ giá, WiGroup đánh giá.
Trong tháng 3/2024, nhờ thanh khoản ổn định trong hệ thống, lãi suất liên ngân hàng đã giảm sâu, gần chạm đáy. Tuy nhiên, vào tuần cuối của tháng, dưới tác động của đợt hút ròng liên tục 15 ngày của NHNN, cùng với tăng trưởng tín dụng dương trở lại khiến thanh khoản bị thắt chặt đột ngột dẫn tới việc lãi suất liên ngân hàng giật tăng mạnh vào cuối tháng. Sự biến động này khả năng chỉ diễn ra trong ngắn hạn và sẽ không ảnh hưởng tới nền kinh tế chung.
Lãi suất tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn duy trì quanh vùng đáy. Trong khi nhóm NHNN tiếp tục giảm lãi suất, một số ngân hàng tư nhân đã bắt đầu tăng lãi suất huy động.
WiGroup đánh giá, nguyên nhân chính của việc tăng lãi suất một phần do tiền gửi vào ngân hàng có xu hướng giảm (-0,76%), trong khi tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương (0,6%). Như vậy, dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động sẽ không còn nhiều. Đây cũng là tín hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã gần chạm "đáy".
Điều này cũng đồng pha với xu hướng tín dụng tăng trưởng chậm. Tính đến thời điểm 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 0,26%, dù con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng nó cho thấy sự cải thiện của tín dụng sau hai tháng đầu năm giảm. Tín hiệu này cũng phản ánh sự phục hồi của hoạt động cho vay trong nền kinh tế, bất chấp việc tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm 2024 ghi nhận ở mức khá thấp, thậm chí là âm tại nhiều ngân hàng lớn.
Trong bối cảnh trên, WiGroup dự báo mức lãi suất thấp từ thị trường liên ngân hàng sẽ có thể tiếp tục được duy trì trong thời gian tới để hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của cá nhân và doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, sự chưa rõ ràng trong chính sách tiền tệ của Fed và bối cảnh thị trường vàng trong nước tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá USD, NHNN có thể sẽ bán dự trữ ngoại hối nếu cần thiết," WiGroup nhận định.