Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
8 nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với 102 lượt ý kiến.
Ngay sau Kỳ họp, dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến ĐBQH có 7 chương với 86 điều, bổ sung 15 điều, bỏ 2 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, dự thảo luật vẫn còn 8 nội dung lớn cần tiếp thu, chỉnh lý.
Trong đó, nội dung đầu tiên là dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp quy định nhiều chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, có những nội dung khác quy định của pháp luật liên quan, vì vậy đề nghị nghiên cứu bổ sung 01 điều quy định về áp dụng pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ảnh: Quochoi.vn |
Nội dung thứ hai về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.
Kế đó là về việc rà soát các quy định về nguồn vốn cho công nghiệp quốc phòng, an ninh để phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước; đề nghị hình thành một Quỹ riêng biệt để tập trung huy động nguồn lực cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Dự thảo luật cũng cần tiếp thu, chỉnh lý về việc bổ sung quy định về “Tổ hợp công nghiệp quốc phòng” để thể chế đầy đủ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Ngoài ra, còn một số nội dung khác như về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng; về chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; về chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh; về hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và trách nhiệm quản lý Nhà nước.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về các chính sách mới được bổ sung trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật và về kỹ thuật lập pháp.
Theo đó, các ý kiến đều nhất trí, để thể chế hóa cụ thể, đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia thì cần thiết phải có các chính sách đặc thù, đột phá nhằm tạo ra những cơ chế vượt trội, khả thi thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, chọn lọc đích đáng những chính sách thực sự vượt trội, khả thi, nhất là các chính sách về đầu tư, thuế... để vừa bảo đảm tính đặc thù vừa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Các ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, chọn lọc đích đáng những chính sách thực sự vượt trội, khả thi để vừa bảo đảm tính đặc thù vừa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ảnh: Quochoi.vn |
Xây dựng những chính sách mới, đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí cho rằng, đây là dự luật khó bởi luật “gốc” về công nghiệp quốc gia hiện chưa có; hai Pháp lệnh về công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp cũng đã được ban hành từ khá lâu (từ năm 2003 và 2008), nhiều quy định đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quan điểm, chủ trương mới của Đảng.
Vì vậy, dự luật này khó có thể quy định chi tiết, cụ thể tất cả các nội dung mà nên chấp nhận việc sẽ có những quy định mang tính chất nguyên tắc, khung để làm cơ sở cho việc quy định cụ thể hơn trong các luật liên quan hoặc hướng dẫn chi tiết tại các văn bản dưới luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần phải chuẩn bị tốt nhất hồ sơ dự án luật, trong đó lưu ý những chính sách mới, đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về lĩnh vực này cũng như về chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần lưu ý những chính sách mới, đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Ảnh: Quochoi.vn |
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần bám sát Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, dự án luật cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nội dung bám sát dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu Pháp lệnh Động viên công nghiệp và Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, tham khảo một số luật khác, nghiên cứu thêm thiết kế chính sách…
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những vấn đề lớn cần tổng hợp các ý kiến của các bộ, ngành hữu quan, nghiên cứu để chọn những phương án tối ưu để tiếp tục trao đổi. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp cùng các cơ quan hữu quan, trên nền tảng đã có, tiếp thu hoàn thiện những vấn đề lớn trên tinh thần xem xét, nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng, công phu và bám sát quy trình theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan tiếp thu tối đa ý kiến tại cuộc làm việc, giải trình thoả đáng, lựa chọn phương án tối ưu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.