Xuất khẩu cà phê tăng nhưng vẫn khó thâm nhập vào thị trường lớn

XNK Việt nAM
19:00 - 22/02/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tháng 1/2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng, tuy nhiên tại các thị trường tiềm năng như Mỹ lại ghi nhận sự sụt giảm.

Theo Tổng cục hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 163.324 tấn, đạt 370 triệu USD; tăng 1,8% về lượng và 32,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. So với tháng 12/2021, xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm giảm 3,6% về lượng và 2,2% về giá trị.

Các thị trường xuất khẩu chính của cà phê Việt Nam đều tăng mạnh so với tháng 12/2021. Cụ thể, Đức đạt 30.086 tấn, tăng 69,3%; Bỉ 23.887 tấn, tăng 236,7%; Italia đạt 13.236, tăng 29,1%; Anh đạt 12.281 tấn; tăng 228,8%...

Trong tháng 1/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.269 USD/tấn, tăng 1,4% so với tháng 12/2021 và tăng 29,9% so với tháng 1/2021. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang một số thị trường chính tăng so với tháng 12/2021. Cụ thể, Italia tăng 7,8%; Nhật Bản tăng 9,2%; Mỹ tăng 10,4%; Philippin tăng 5,4%...

So với cùng kỳ năm ngoái, giá xuất khẩu tháng 1/2022 sang các thị trường đều tăng mạnh.

Khó thâm nhập thị trường lớn

Trong tháng 1/2022, xuất khẩu cà phê Việt vào Mỹ đạt 8.901 tấn, tương đương 23 triệu USD; giảm 26% về lượng và 18% về giá trị. Sự sụt giảm này không quá ngạc nhiên khi trong năm 2021 nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đã giảm rõ rệt.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu cà phê của thị trường này năm 2021 đạt 1,58 triệu tấn, trị giá 6,75 tỷ USD. Từ số liệu này, năm 2021 Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất trên thế giới. Giai đoạn 2020 – 2025, thị trường cà phê Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,8%.

Tuy nhiên, với thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, cà phê Việt Nam vẫn chưa thực sự có chỗ đứng. Năm 2021, Mỹ tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các nguồn chính, ngoại trừ Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu cà phê của nước này từ Brazil tăng trong năm 2021, đạt 464.766 tấn, trị giá 1,23 tỷ USD; tăng 3,2% về lượng và 16,9% về trị giá so với năm 2020.

Colombia cũng xuất khẩu vào Mỹ 298.652 tấn, đạt 1,3 tỷ USD; tăng 0,5% về lượng và 22% về giá trị.

Trong khi đó, Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam giảm 9% về lượng và giảm 4,3% về trị giá với năm 2020; đạt 134.013 tấn và 273 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ, giảm từ 10,38% trong năm 2020 xuống còn 9,12% năm 2021.

Về giá, giá cà phê Việt vào Mỹ nhìn chung vẫn còn rất thấp, bình quân đạt mức 1.857 USD/tấn. Còn với các nước như Brazil đạt 2.648 USD/tấn; Colombia đạt 4.574 USD/tấn; Hondurat đạt 3.750 USD/tấn; Goatemala đạt 4.632 USD/tấn…

Trước thực trạng trên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành cà phê Việt Nam cần thay đổi trong khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm . Bởi thị trường Mỹ yêu cầu cà phê nhập khẩu phải được truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị. Cần đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất chính trên thị trường cà phê Mỹ như Fairtrade USDA, Organic, Raiforest Alliance/UTZ Certified, Bird Friendly…

Trong khi đó, sản phẩm cà phê nhân thô vẫn chiếm thị phần lớn trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê Việt còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu truy xuất từ phía Mỹ.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Tây Nguyên” diễn ra vào cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: “Cần tư duy lại về trồng, sản xuất cà phê. Không phải chúng ta chỉ dừng lại ở hạt cà phê ngon, mà họ sẽ truy xuất nguồn gốc cà phê được trồng như thế nào, sản xuất như thế nào, có ảnh hưởng tới môi trường không, có ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu hay không”.

Có thể thấy, nếu ngành cà phê không thay đổi, Việt Nam sẽ dần mất đi thị phần cà phê vốn có vào tay các đối thủ khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp