Xuất khẩu gạo của Việt Nam đến ngày 15/9 đã vượt 6 triệu tấn

Gạo XUẤT KHẨU
19:13 - 20/09/2023
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đến ngày 15/9 đã vượt 6 triệu tấn
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9, Việt Nam xuất khẩu 6,12 triệu tấn gạo, cao hơn cùng kỳ năm trước tới 1,1 triệu tấn. 

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gạo tính đến hết ngày 15/9 đạt 3,35 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo tăng lần lượt 21% và 37%.

Trước đó, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 5,81 triệu tấn gạo với trị giá 3,16 tỷ USD, đây cũng là mức cao kỷ lục cả về lượng và trị giá 8 tháng đầu năm trong 10 năm qua.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, ngoại trừ tháng 1 và 6 có kim ngạch thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, các tháng còn lại đều tăng trưởng cao hơn. Đáng chú ý, tháng 3/2023 Việt Nam có lượng gạo xuất khẩu cao nhất trong 8 tháng đầu năm 2023 với 961 nghìn tấn, tăng 80,9% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lại ghi nhận cao nhất vào tháng 4 với 1,04 tỷ USD, đây cũng là tháng duy nhất trong năm 2023 đạt trị giá xuất khẩu tỷ USD (tính đến hết tháng 8/2023).

Tại các thị trường, Philippines vẫn giữ vững là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 1,22 tỷ USD và 2,34 triệu tấn gạo. Đứng sau là Trung Quốc với 452 triệu USD; Indonesia với 361 triệu USD...

Đáng chú ý, kim ngạch gạo xuất khẩu gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng tới 25.400% YoY về trị giá, từ 0,1 triệu USD (cùng kỳ năm 2022) lên 25,5 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2023.

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sang Indonesia cũng tăng 1.512% YoY, từ 22,4 triệu USD lên 361 triệu USD; Chile tăng 3.180%, từ 0,1 triệu USD lên 3,28 triệu USD.

Các thị trường khác tăng trưởng 3 con số gồm Tanzania +117,5%, từ 4 triệu USD lên 8,7 triệu USD; Tây Ban Nha +161%, từ 0,9 triệu USD lên 2,3 triệu USD; Senegal +354%, từ 1,1 triệu USD lên 5 triệu USD.

Nhìn chung, trong các tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường trên đều ghi nhận tăng đột biến từ tháng 4 và duy trì tăng cao cho đến tháng 8.

Riêng tại thị trường Indonesia, trong tháng 2/2023, Indonesia đã thông báo sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ trong năm 2023. Bắt đầu từ tháng 4/2023, quốc gia này đã đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam, tăng từ 4.801 tấn gạo (tháng 3/2023) lên 157.909 tấn gạo vào tháng 4. Lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam của Indonesia tiếp tục tăng cao trong các tháng tiếp theo và liên tiếp trên 100.000 tấn trong tháng 6, 7 và 8.

Thời gian qua, việc Ấn Độ ra thông báo cấm xuất khẩu gạo đã tác động lớn giá cũng như nhu cầu của thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo báo cáo ngành gạo vừa công bố của Mirae Asset, việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo tạm thời đang hỗ trợ tốt cho 2 quốc gia xếp sau là Thái Lan và Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu và doanh số bán hàng; tăng giá gạo; mở rộng thị trường và cải thiện thị phần.

Bên cạnh đó, theo MXV, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo khiến an ninh lương thực ngày càng trở nên quan trọng. Tình thế này buộc các nước nhập khẩu đẩy mạnh tích trữ. Giá gạo do đó càng được đẩy lên mức cao và thậm chí vẫn còn dư địa tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm nay.

Báo cáo dẫn thông tin từ Bộ NN&PTNT, cuối tháng 8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang gần 650 USD/tấn, quanh vùng đỉnh giá 15 năm.

Ảnh: Mirae Asset
Ảnh: Mirae Asset
Ảnh: Mirae Asset

Ảnh: Mirae Asset

Trước đó, ngày 20/7 vừa qua, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không basmati – loại gạo chiếm gần một nửa lượng xuất khẩu gạo của Ấn Độ và chiếm khoảng 17% tổng xuất khẩu gạo của thế giới.

Chỉ số giá gạo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc trong tháng 7/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm do giá ở các nước xuất khẩu chính tăng vọt bởi nhu cầu lớn sau khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu.

Ngày 25/8, Ấn Độ tiếp tục thông báo áp dụng mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ và kéo dài đến ngày 16/10, biện pháp áp dụng với tất các các gạo không phải là basmati (chiếm 25% tổng xuất khẩu gạo của nước này).

Biện pháp trên được Ấn Độ đưa ra nhằm kiểm soát tình trạng giá gạo tăng và đảm bảo nguồn cung đủ cho thị trường này nội địa. Tuy nhiên, động thái này có thể làm lượng gạo xuất khẩu của nước này giảm hơn và đưa giá gạo toàn cầu tiếp tục tăng.

Tin liên quan

Đọc tiếp