Doanh nghiệp Séc trao đổi với doanh nghiệp Việt Nam trong phiên B2B chiều 20/3. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Chiều 20/3, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Séc tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp nông nghiệp Séc – Việt Nam”, với sự tham dự của Bộ trưởng Nông nghiệp Cộng hòa Séc Marek Výborný.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị chia sẻ, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới với kim ngạch hơn 53 tỷ USD vào năm 2023.
Việt Nam có điều kiện địa lý thuận lợi, chính sách cởi mở, môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng được hoàn thiện thiện. Điều này đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
"Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn tạo điều kiện thuận lợi và môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư của Séc," ông Nguyễn Quốc Trị nói.
Tiềm năng hợp tác là rất lớn, đặc biệt là khi ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi mạnh, từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành.
Chính sách của Việt Nam hiện nay coi trọng việc thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản, hướng tới những “giá trị xanh” để tạo ra các sản phẩm có giá trị tăng cao, dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng, kết nối với chuỗi lương thực thực phẩm toàn cầu, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói.
Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN “Trong khi đó, Séc có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến nông sản. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Séc đầu tư, chuyển giao công nghệ trong chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, các sản phẩm chăn nuôi, thuốc thú y…, hai bên có nhiều thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển”
Về phía Cộng hòa Séc, Bộ trưởng Nông nghiệp Cộng hòa Séc Marek Výborný cho biết, mặc dù Séc được biết đến nhiều về ngành công nghiệp với mũi nhọn là ngành sản xuất ô tô chất lượng cao, tuy nhiên ngành nông nghiệp của Séc cũng có nhiều tiềm năng.
Cụ thể, tại lĩnh vực sản xuất cây trồng, Séc tự chủ hầu hết các mặt hàng, trong đó nông sản phổ biến là ngũ cốc, cải dầu, khoai tây và củ cải đường. Ngành trồng hoa bia và nho cũng chiếm vị thế vô cùng quan trọng, đồng thời là ngành sản xuất truyền thống của Séc.
Ông Marek Výborný chia sẻ, trong chuyến công tác của ông đến Việt Nam lần này, có 40 doanh nghiệp hàng đầu của Séc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm tháp tùng đoàn.
Các doanh nghiệp này đều quan tâm đến việc mở rộng hợp tác với Việt Nam và tận dụng tối đa tiềm năng thương mại giữa hai nước, ông Marek Výborný nói.
Đánh giá về tiềm năng thương mại, Bộ trưởng Marek Výborný nhận định, hai bên còn nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng, phát triển hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp. Kim ngạch thương mại nông sản có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, việc này cho thấy Việt Nam - Séc đang thành công trong việc thúc đẩy thương mại song phương.
Bộ trưởng Marek Výborný phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Tiềm năng hợp tác lớn giữa doanh nghiệp hai nước
Bên hành lang sự kiện trên, ông Jan Prasil - Giám đốc công ty Semo - công ty về chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh hạt giống tại Séc, nhận định, Việt Nam là thị trường tương đối tiềm năng cho sản phẩm của Semo khi là nước đang phát triển, có quy mô dân số 100 triệu dân và người dân ngày càng có nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Đây lần đầu tiên Semo tham dự sự kiện giao thương với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tôi mong muốn tìm kiếm những đối tác tiềm năng quan tâm nhập khẩu các mặt hàng của Semo. Sau khi kết nối, chúng tôi sẽ trao đổi thêm để xem xét, đưa ra kế hoạch hợp tác và tiến hành mang sản phẩm vào Việt Nam," ông Jan Prasil nói với Mekong ASEAN.
Cũng trao đổi với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Mạnh Tùng, doanh nghiệp tiêu biểu gốc Việt, công ty Czech Việt s.r.o cho rằng, trong thương mại Việt Nam – Séc, doanh nghiệp Việt có lợi thế tại thị trường nước bạn khi cộng đồng người Việt là cộng đồng lớn thứ 3 tại Séc với gần 100.000 người sinh sống và làm việc.
Séc cũng được coi là điểm trung gian xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu khi thuế nhập khẩu tương đối ưu đãi, doanh nghiệp thường đặt trung tâm kho tại Séc. Sau khi nhập khẩu hàng hóa vào Séc như gạo, cà phê… thì doanh nghiệp sẽ bắt đầu xuất khẩu sang các nước trong châu Âu như Đức, Ba Lan và các nước lân cận.
Ngoài ra, các tập đoàn gốc Việt tại Séc cũng rất mạnh, có hàng tồn kho lớn, các doanh nghiệp này sẽ cung cấp hàng cho người Việt Nam tại Séc cũng như doanh nghiệp Séc. Bên cạnh đó, luật pháp của Séc cũng tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu với các nước.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng, hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước bạn cũng gặp thế khó khi thương hiệu phát triển chưa mạnh, doanh nghiệp chưa chú trọng đến vấn đề quảng bá văn hóa Việt tại Séc.
“Tại Séc, hàng hóa mang thương hiệu Việt còn yếu, muốn phát triển hàng hóa tại nước bạn lâu dài thì doanh nghiệp cần chú trọng đến vấn đề này. Hiện doanh nghiệp chúng tôi cũng đang xây dựng thương hiệu riêng tại Séc với tên gọi Master VietNam.
Master VietNam nhập khẩu nguyên liệu từ Việt Nam như chè, cà phê và sản xuất, chế biến rồi xuất khẩu vào Séc. Chúng tôi luôn muốn thay đổi góc nhìn của người tiêu dùng Séc về sản phẩm Việt Nam, để người Séc biết đến nhiều hơn về các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Việt Nam," ông Tùng chia sẻ với Mekong ASEAN.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Séc đặc biệt quan tâm đến thị trường quy mô dân số 100 triệu dân của Việt Nam (Séc có khoảng 10 triệu dân). Thị trường Việt cũng được đánh giá hấp dẫn khi có luật pháp đồng bộ, trong khi các nước châu Âu có quy mô dân số nhỏ hơn lại có những điều luật khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp Séc trong việc tiếp cận thị trường..
Nói về tiềm năng đầu tư, ông Tùng cho biết, cơ hội để doanh nghiệp Séc đầu tư vào Việt Nam là rất lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ lẻ. Doanh nghiệp Séc có thể đầu tư vào Việt Nam từ công nghệ tới giáo dục, đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ của nước ta phát triển công nghệ, các mô hình kinh doanh theo kiểu châu Âu...