Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Sáng ngày 25/7, tại thành phố Tân An, UBND tỉnh Long An đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An. Long An là địa phương thứ 10 của cả nước và là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch.
Quyết định 686/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 13/6/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 9%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh, thành phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, Long An sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế xã hội, sáu trục động lực.
Trong đó, 1 trung tâm là thành phố Tân An; 2 hành lang gồm: Hành lang đường Vành đai 3, 4 và hành lang phát triển phía nam; 3 vùng kinh tế xã hội gồm: Vùng đô thị và công nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu, vùng đệm sinh thái.
Thành phố Tân An, Long An. Ảnh: Longan.gov |
Sáu trục động lực kinh tế gồm trục động lực Vành đai 3, Vành đai 4 kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam Bộ - TP HCM, kết nối sân bay Long Thành với cảng Long An.
Trục động lực Quốc lộ 50B kết nối TP HCM - Long An - Tiền Giang.
Trục động lực song hành Quốc lộ 62 kết nối TP Tân An với khu vực kinh tế cửa khẩu Long An và vùng Đồng Tháp Mười.
Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây - vùng đô thị, công nghiệp ở huyện Bến Lức và TP HCM.
Trục động lực Quốc lộ N1 kết nối Long An với vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vùng Đông Nam Bộ - vùng Tây Nguyên
Cuối cùng là trục động lực Đức Hòa kết nối cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hòa, Bến Lức với TP HCM.
Các trục động lực này nằm trong danh mục các dự án hạ tầng giao thông mà tỉnh Long An ưu tiên đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Cùng với đó, Long An cũng sẽ cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh.
Nhân dịp này, Long An cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh với 13 dự án ưu đãi gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Long An; khu công nghiệp Phú An Thạnh; khu công nghiệp Việt Phát; khu công nghiệp Prodezi; khu phức hợp giải trí Khang Thông; khu đô thị Nam Long VCD; trung tâm công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười tại Long An; khu vực tiếp nhận kho vận, logistics - cảng Long An; xây dựng trung tâm kho vận lương thực tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An; trung tâm kho vận và dịch vụ logistics; phát triển chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Long An; đầu tư sản xuất và xây dựng các nhà máy chế biến khoai mỡ; nhà máy chế biến thanh long.
Tại Hội nghị, tỉnh Long An đã trao quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) với các nhà đầu tư.
Long An là cửa ngõ giao thoa giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ, có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa giữa 2 vùng.
Đây là địa phương nằm liền kề TP HCM và có đường biên giới giáp ranh với Vương quốc Campuchia, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu. Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh có lợi thế nổi trội về vận tải biển, đường thủy nội địa và hàng hải quốc tế. Long An chỉ cách các cảng biển TP HCM khoảng 20-30km, cách TP HCM và cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất từ 45-60 phút. Với ưu thế này, các nhà đầu tư rất thuận lợi trong việc kết nối giao thương, vận chuyển hàng hóa, rút ngắn thời gian, chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu hút đầu tư FDI của tỉnh năm 2022 đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đến hết tháng 6/2023, thu hút đầu tư FDI của Long An vượt lên đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (sau Bắc Giang, Nghệ An, Bình Phước, Bắc Ninh) và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, có gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh.