Hội thảo “Phát triển nền tảng thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng”. Ảnh: Hà Anh |
Phát biểu tại Hội thảo Phát triển nền tảng thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng ngày 31/10, ông Nguyễn Thanh Hưng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Quy mô thị trường điện tử Việt Nam năm 2015 đạt 4 tỷ USD và con số này dự báo sẽ lên tới mức 49 tỷ USD vào năm 2025. Kinh tế Internet của Việt Nam dự kiến tăng trưởng trong năm 2022 là 28%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Nguyễn Thanh Hưng cũng nhận định thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có 6 rào cản đó là: thanh toán trực tuyến, vận chuyển đơn hàng, đầu tư nước ngoài, nguồn nhân lực, sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực trong nước và sự hoàn thiện của môi trường chính sách và pháp luật.
Để thương mại điện tử phát triển bền vững thì vấn đề hoàn thiện chính sách cần được quan tâm. Theo ông Hưng, Việt Nam đã có nhiều chiến lược, nghị quyết về chuyển đổi số, kinh tế số nhưng cũng cần những hướng dẫn cụ thể, chính sách hỗ trợ cụ thể về mô hình kinh doanh mới, và những chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng chia sẻ: “Đây là một thực tế không chỉ đối với lĩnh vực thương mại điện tử mà còn là trở ngại đối với nhiều lĩnh vực khác. Bởi kể cả có chính sách hỗ trợ rồi thì vấn đề thực thi cũng không hề đơn giản”.
Các chuyên gia dự hội thảo khuyến nghị Nhà nước cần có những cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Song song với đó, hạ tầng pháp lý cũng cần được hoàn thiện. Đặc biệt, hội thảo đề xuất cần hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch điện tử bằng cách giảm số tiền mặt trên tổng số phương tiện thanh toán nhằm kích thích thương mại điện tử phát triển.
Hội thảo “Phát triển nền tảng thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức nhằm thảo luận, trao đổi về những thách thức khó khăn hiện tại đối với doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, từ đó đề xuất khuyến nghị, giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển.
Trước đó, báo cáo e-Conomy SEA 2022 công bố ngày 27/10 của Google, Temasek và Bain & Company đã đưa ra nhận định 6 nền kinh tế số hàng đầu Đông Nam Á bao gồm Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và sẽ đạt 200 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) ngay trong năm 2022.
Các hoạt động thương mại điện tử tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng trong khu vực mặc bất chất việc mua sắm ngoại tuyến dần được khôi phục. Trong con số 200 tỷ trên, GMV trong lĩnh vực này đã tăng 16% lên 131 tỷ USD vào năm 2022.
Báo cáo cũng nhận định nền kinh tế Internet ở 6 quốc gia được dự đoán sẽ đạt 330 tỷ USD vào năm 2025 nếu các công ty tại đây tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận trong 3 năm tới. Nền kinh tế trực tuyến của Đông Nam Á vì vậy vẫn tiếp tục trên đà đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 khi mua sắm trực tuyến trở thành tiêu chuẩn.